Bệnh trầm cảm không bị chi phối bởi gen, môi trường mới là yếu tố chính. Như vậy hạnh phúc và sự nuôi dạy có thể lấn át bản chất. Bởi ngay cả khi những con chuột thuộc giống hơi trầm cảm, chúng vẫn vui lên sau khi được điều trị tâm lý.
Nghiên cứu cũng cho thấy những chuột mang gen trầm cảm và con chuột bị trầm cảm do môi trường biểu hiện những thay đổi trong mức độ các chỉ báo trong máu về bệnh trầm cảm hoàn toàn khác nhau.
Những con chuột trong nghiên cứu đã được lai tạo để có hành vi trầm cảm trong 33 thế hệ và biểu hiện sự tuyệt vọng cùng cực.
"Không có người nào có cơ địa trầm cảm di truyền hoàn toàn giống như kiểu những con chuột này," Eva Redei, giáo sư về tâm lý học và hành vi, cho biết. "Nếu bạn có thể biến đổi trầm cảm ở những con chuột này, bạn chắc chắn sẽ có thể làm điều đó ở con người."
Nhóm nghiên cứu muốn xem liệu họ có thể thay đổi bệnh trầm cảm do di truyền ở chuột thí nghiệm bằng cách thay đổi môi trường của chúng hay không. Họ đã đặt lũ chuột bị trầm cảm vào những chiếc lồng lớn với rất nhiều đồ chơi để gặm, để trốn và leo trèo trong một tháng.
"Chúng tôi gọi đó là liệu pháp tâm lý chuột," Giáo sư Redei nói, "bởi “Disneyland” này cho phép chúng gắn bó với môi trường và với nhau nhiều hơn”.
Sau liệu pháp tâm lý sân chơi, hành vi trầm cảm của chuột đã giảm rõ rệt. Sau đó, chúng được cho vào một thùng nước để xem cách hành xử.
Những con chuột đối chứng bơi lòng vòng, tìm cách để trốn thoát trong khi những con chuột bị trầm cảm chỉ đơn giản là phó mặc, biểu hiện hành vi tuyệt vọng. Sau một tháng ở sân chơi, những con chuột mang gen trầm cảm đã hăng hái bơi quanh thùng nước để tìm một lối ra.
"Chúng không biểu hiện sự tuyệt vọng," GS Redei nói.
Các nhà khoa học cũng thấy nhóm chuột đối chứng không bị trầm cảm trải qua một tình huống căng thẳng tâm lý bao gồm bị nhốt 2 giờ một ngày trong 2 tuần, đã buông xuôi khi bị cho vào trong bể nước và không cố gắng trốn thoát. Sau stress môi trường, một số các chỉ báo sinh học trong máu của trầm cảm thay đổi từ mức không trầm cảm thành mức giống như ở những con chuột mang gen trầm cảm.
Nhóm nghiên cứu của GS Redei hiện muốn tìm hiểu xem liệu các chỉ báo sinh học có thực sự gây ra những thay đổi hành vi để đáp ứng với môi trường hay không, điều này có thể đưa đến các thuốc chống trầm cảm.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Translational Psychiatry, mang lại hy vọng cho những người nghĩ rằng họ có cơ địa tự nhiên dễ mắc trầm cảm do tiền sử gia đình và mang lại hy vọng điều trị cho những người bị bệnh.
Việc có thể phân biệt giữa hai loại trầm cảm có thể dẫn đến cách điều trị chính xác hơn bằng thuốc hoặc liệu pháp tâm lý, các nhà khoa học Mỹ từ trường Y Feinberg, Đại học Tây Nam cho biết.
Theo dantri.com.vn