Có lẽ nhiều người đều không biết rằng hợp chất limonene trong nến thơm mà chúng ta thường dùng có thể biến đổi thành phoóc-môn khi tiếp xúc với các khí gas tự nhiên trong không khí.
Cửa đóng, then cài rồi thắp một ngọn nến thơm lên là bí quyết được chia sẻ rộng rãi giúp hâm nóng không khí giá buốt của mùa đông. Nhưng này, đừng tiếp tục làm như vậy nữa nhé bởi khoa học đã phát hiện ra hương thơm hóa học lôi cuốn ở những ngọn nến có thể giải phóng ra chất độc gây ung thư chết người.
Nến thơm mà chúng ta vẫn thường sử dụng lại ẩn chứa nguy cơ gây ung thư chết người.
Sao nến thơm lại có thể sản sinh ra phoóc-môn được? Có đấy!
Các nhà nghiên cứu cho biết, hương thơm bình thường có thể thay đổi khi ra ngoài không khí, nếu phòng không lưu thông khí thì những mùi hương ấy có thể biến đổi sang cấp độ nguy hiểm. Khi tiến hành thí nghiệm tại 6 ngôi nhà trong 5 ngày liên tiếp, Giáo sư Alastair Lewis của Trung tâm Khoa học Khí quyển Quốc gia của Đại học York, Anh Quốc đã đo được nhiều nồng độ hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) và tìm thấy nhiều chất trong không khí như benzen thải ra từ phương tiện giao thông hay alpha-pinene, loại tinh dầu có trong dung dịch lau chùi... Trong số này, hợp chất hóa học đáng nói nhất phải kể tới limonene giải phóng ra từ nến thơm, máy xịt phòng tự động và các sản phẩm lau chùi, tẩy rửa.
Được biết, limonene hay tinh dầu limonene là một hợp chất hữu cơ dạng lỏng không màu thường được sử dụng để tạo mùi thơm cam quýt cho nến và các sản phẩm tạo mùi. Như vẫn biết lâu nay, limonene rất an toàn với con người, thậm chí còn được sử dụng để pha chế đồ uống. Tuy nhiên, khi được xịt vào trong nhà, limonene không giữ nguyên thành phần mà nó sẽ kết hợp với các khí gas tự nhiên khác để trở thành một hợp chất mới chứa phoóc-môn. Theo ước tính, cứ 2 phân tử limonene ngoài không khí lại sản sinh ra 1 phân tử phoóc-môn.
Nhắc tới phoóc-môn, chúng ta cũng đủ nhận biết được sự nguy hiểm của chúng tới nhường nào. Đây là chất hóa học được sử dụng để ướp xác và sản xuất công nghiệp nặng. Đây chính là nguyên nhân làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cũng như gây ra các căn bệnh ung thư ở con người. Phoóc-môn thường gắn liền với ung thư mũi, họng.
Làm như sau để "điều trị" chất phoóc-môn độc hại:
Để khử khí độc, các nhà nghiên cứu đặt 4 loài cây trồng trong nhà liên tiếp qua 6 tuần. Kết quả thu được cho thấy, nồng độ limonene không giảm trong khi đó nồng độ phoóc-môn hạ đáng kể.
Theo gợi ý của chuyên gia, các gia đình nên trồng một số loài cây trồng có khả năng hấp thu phoóc-môn tốt như thường xuân, phong lữ, oải hương hay dương xỉ trong nhà.
Limonene có trong nến thơm và các sản phẩm lau chùi, tẩy rửa có thể biến đổi thành chất phoóc-môn gây ung thư.
Những loài cây như phong lữ có thể hấp thu hết phoóc-môn có trong không khí.
Theo kenh14.vn