Trước thông tin có nhiều tiềm ẩn bất ổn và nguy cơ đe dọa sức khỏe cho con người khi chế biến thức ăn bằng lò vi sóng như: Hóa chất độc hại và chất gây ung thư từ nhựa nóng, giấy bìa có thể rơi vào thức ăn; Làm thay đổi cấu trúc phân tử thực phẩm, ảnh hưởng đến chất dinh dưỡng trong thức ăn, tạo chất độc hại; Phát ra bức xạ ảnh hưởng đến tim và đường huyết.
Nếu liên tục ăn thức ăn chế biến từ lò vi sóng khiến não liên tục phát ra xung điện, làm cơ thể có thể không chuyển hóa được thực phẩm, chặn lại hoặc biến đổi ra hormone nam và nữ; Khoáng chất trong rau quả bị thay đổi thành các gốc tự do gây ung thư dạ dày, đường ruột…
Lâu dài sẽ tạo ra các tế bào ung thư, thay đổi thành phần hóa học của máu, tạo nhiều hợp chất hóa học khác như benzen (có trong thuốc trừ sâu), formaldehyde (hợp chất bảo quản tử thi), các mutagents (gây biến đổi gen)…
Chưa có bằng chứng cụ thể cho thấy lò vi sóng gây hại sức khỏe con người. |
PGS Nguyễn Trung Chính – Nguyên trưởng khoa Ung bướu BV 108 cho biết việc thức ăn được chế biến từ lò vi sóng có thể gây ung thư chưa được nghiên cứu cụ thể bởi thực tế các sóng từ lò vi sóng không ảnh hưởng đến sức khoẻ. Hiện nay, công nghệ làm lò vi sóng đã cải tiến hơn trước rất nhiều nên người dân không quá lo lắng về “bữa ăn hạt nhân” từ trong lò vi sóng.
Mối liên quan giữa lò vi sóng và căn bệnh ung thư hiện nay mới chỉ là nghi ngờ và các nhà khoa học đang nghiên cứu sâu rộng về tác hại của năng lượng điện từ trong lò vi sóng có gây hại cho sức khỏe hay không nói chung và bệnh ung thư nói riêng.
Còn PGS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa – ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng, lò vi sóng dùng sóng điện từ cực ngắn, làm nước trong thực phẩm chuyển động nhanh, mạnh, sinh nhiệt và làm chín thức ăn. Nếu đun nấu trên bếp thường nhiệt độ làm chín thực phẩm từ ngoài vào trong thì ở lò vi sóng thực phẩm được làm chín từ trong ra, nên thời gian nấu nhanh hơn 4 lần. Ưu điểm của lò vi sóng là làm nóng các món kho, hấp, luộc… chỉ mất 3/4 thời gian so với đun nấu thông thường.
Theo PGS Côn, khi sử dụng lò vi sóng không nên sử dụng các loại đồ nhựa kể cả các loại đồ nhựa được quảng cáo có thể chịu nhiệt được lò vi sóng. Người tiêu dùng phải hiểu được nguyên lý hoạt động của lò vi sóng về cơ bản là dùng nhiệt để làm nóng thức ăn. Nếu dùng đồ nhựa, màng thực phẩm khi gặp nhiệt lượng trong lò có thể khiến các loại đồ nhựa này bị nung nóng, chảy ra rồi lẫn vào trong thức ăn, gây hại cho sức khỏe con người.
Trao đổi về tác hại của sóng từ lò vi sóng, PGS Nguyễn Chương – Nguyên giảng viên khoa Thần Kinh, Đại Học Y Hà Nội cho rằng sóng từ lò vi sóng không nguy hiểm bằng sóng điện thoại. PGS Chương khuyến cáo sóng của điện thoại đã và đang gây tranh cãi nhưng thực tế đối với trẻ nhỏ sẽ ảnh hưởng ít nhiều nên người dùng nên tách sóng điện thoại thay vì lo ngại ảnh hưởng của sóng từ lò vi sóng.