Sáng 5/4, Bộ Y tế đã xác nhận Việt Nam có hai người nhiễm virus Zika tại Nha Trang và TP HCM.
Hiện tại, bệnh do virus Zika gây ra chưa có thuốc đặc trị, vắc xin phòng ngừa, để không nhiễm bệnh, người dân cần hạn chế di chuyển tới vùng có dịch và áp dụng một số biện pháp sau:
Phòng tránh muỗi đốt
Theo TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - con đường lây truyền chủ yếu của virus Zika là qua muỗi Aedes. Do đó, cách tốt nhất để phòng tránh nhiễm virus Zika là không bị muỗi đốt.
Muỗi Aedes, loài mang virus Zika, có thể hút máu được 4-5 người trong một bữa ăn, có nghĩa là nó có thể lây lan dịch bệnh nhanh chóng.
Loại muỗi thường sống trong rừng và hút máu các sinh vật máu nóng. Tuy nhiên, gần đây chúng đã phát triển và chuyển sang chỉ hút máu người.
Cần áp dụng các biện pháp phòng muỗi, hạn chế bị muỗi đốt. Ảnh: BBC. |
Biện pháp hạn chế muỗi sinh sôi:
- Nếu trong nhà bạn có nhiều thùng nước mưa, hãy xử lý bằng một sản phẩm không độc hại được sản xuất để tiêu diệt ấu trùng muỗi.
- Khoan lỗ trong thùng rác để tránh đọng nước.
- Tháo nước và rửa sạch các bình chứa nước 5 ngày/lần để ngăn chặn trứng muỗi nở.
- Nếu bạn có chậu cây cảnh, vệ sinh và làm khô chậu ít nhất 1 lần/tuần.
- Muỗi Aedes thích hút máu ở khu vực đầu gối, khuỷu tay, do vậy bạn nên mặc quần áo dài và đi tất.
- Sử dụng thuốc chống muỗi, đặc biệt có chứa các thành phần DEET.
- Mặc quần áo sáng màu, do muỗi thường bị thu hút bởi màu tối.
- Tránh dùng các sản phẩm mỹ phẩm có mùi hương.
- Mắc màn khi ngủ.
- Ghi nhớ, muỗi thường dễ cắn vào ban ngày hơn là ban đêm.
Cẩn trọng khi hiến và truyền máu
Theo Reuters, đầu tháng 2, các quan chức y tế Brazil đã xác nhân 2 trường hợp nhiễm bệnh qua đường truyền máu từ người mang virus Zika.
Các chuyên gia khuyến cáo việc hiến máu và truyền máu cần được đảm bảo và xét nghiệm virus cẩn thận.
Tại Mỹ, các ngân hàng máu lớn, bao gồm Hội chữ thập đỏ Mỹ, đã yêu cầu người dân không nên hiến máu nếu họ vừa tới Mexico, vùng Caribbean, Nam hay Trung Mỹ trong vòng 28 ngày.
Sử dụng biện pháp phòng tránh khi quan hệ tình dục
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), virus Zika có thể tồn tại trong tinh dịch của nam giới 10 tuần sau khi bệnh khởi phát. Một số người nhiễm bệnh nhưng lại không có biểu hiện sẽ truyền virus cho các đối tác tình dục.
Vì vậy, những người đàn ông sống hoặc du lịch tới khu vực bị ảnh hưởng bởi virus Zika nên tránh sinh hoạt tình dục, hoặc sử dụng các biện pháp phòng tránh như bao cao su, đặc biệt với phụ nữ mang thai để bảo vệ thai nhi.
Virus Zika được phát hiện đầu tiên từ khỉ Rhesus vào năm 1947 tại Uganda và vào năm 1948 phát hiện trên muỗi Aedes. Muỗi truyền bệnh thuộc nhóm Aedes là loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết. Thời gian ủ bệnh 3-12 ngày. Người bệnh có biểu hiện sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi và đau đầu.
Đặc biệt, các nhà khoa học nghi ngờ virus Zika có thể gây biến dạng bào thai khiến con sinh ra có não bộ nhỏ hơn bình thường (gọi là tật đầu nhỏ). Vì vậy, đây là đối tượng cần đặc biệt chú ý trong việc phòng tránh dịch bệnh.
Theo thống kê của WHO, 59 nước đã ghi nhận sự xuất hiện của dịch bệnh này.