Rất nhiều người rất cảnh giác khi mua hàng ở Thái Lan hay Trung Quốc, nhưng lại rất chủ quan ở Singapore với suy nghĩ mình tuyệt đối an toàn ở đây để rồi khi bị lừa lại rất ấm ức. Theo thống kê của website travelfish.org, cứ 10 người bị lừa ở Singapore thì đến 9 vụ việc xảy ra ở Sim Lim - cũng là nơi xảy ra vụ việc anh Thoại bị lừa mua iPhone gây xôn xao vừa qua.
Du khách Việt khóc mếu khi bị lừa gạt ở Singapore. Không ít người cũng gặp phải chiêu lừa đảo tương tự thế này khi mua sắm ở nước ngoài. Ảnh chụp màn hình. |
Sim Lim ở giữa khu Little India và Bugis và là trung tâm thương mại điện tử lớn nhất Singapore. Du khách hay có quan niệm sai lầm rằng Singapore bán hàng điện tử rất rẻ và đổ xô đến Sim Lim. Những kẻ cơ hội đã lợi dụng điều này bằng cách niêm yết giá một đằng nhưng đến khi bạn đưa tiền để lấy sản phẩm, bạn sẽ bị ép phải trả thêm phí "bảo hành", "bảo hiểm" với tổng số tiền có thể gấp 2 - 3 lần so với giá niêm yết ban đầu. Bạn có thể dễ dàng tránh được trò này bằng các cách sau:
So sánh giá
Trước khi mua một món hàng lớn, hãy so sánh giá ở các cửa hàng khác và ở Việt Nam. Giá của hàng điện tử thật sự thường không chênh nhiều đến 5 – 6 triệu và Singapore đôi khi không phải là nơi rẻ nhất để mua.
Thông tin là vũ khí của bạn
Hãy kiểm tra giá đề nghị của mặt hàng bạn muốn mua và độ uy tín của các cửa hàng.
Những cửa hàng do Apple ủy quyền chính thức sẽ được niêm yết trên website của họ. Hãy chắc chắn độ uy tín của cửa hàng bạn mua trước khi chi tiền. Ảnh: Apple Singapore. |
Đối với các sản phẩm của Apple, trong tâm trí người Việt Nam, Singapore là nơi tin cậy và rẻ. Tuy nhiên, bạn nên nhớ Apple chưa hề mở Apple Store chính thức ở Singapore. Họ chỉ có cửa hàng online (bạn đặt hàng online, Apple sẽ gửi đến địa chỉ ở Singapore cho bạn) và các cửa hàng Authorised Reseller - được niêm yết chính thức trên website của Apple. Để an toàn, bạn chỉ nên đến những cửa hàng này mà thôi. Đã từng có nhiều trường hợp các bạn mua cửa hàng ngoài và bị từ chối bảo hành ở Apple rồi đấy.
Xác nhận tổng giá trước khi đặt bút ký mua
Một trong những trò phổ biến nhất của người bán chính là bổ sung thêm phí "mở khóa", “bảo hành”, “bảo hiểm” ... cho điện thoại và video games. Những phí này thường là lừa đảo, không thật. Hãy từ chối ngay khi bạn được đề nghị bổ sung phần phí này.
Cẩn thận hàng giả
Một du khách trên trang Travelfish.org đã từng tâm sự, anh nhìn thấy một cửa hàng trưng biển Apple ở Singapore bán iPhone nano (Apple không hề công bố sản phẩm nào như vậy). Mặc dù hiếm nhưng ở Singapore vẫn có hàng giả.
Đừng để bị 'mê hoặc'
Những cửa hàng ở tầng 1 của Sim Lim thường nhắm vào du khách. Bất cứ ai gọi bạn và đưa ra mức giá hấp dẫn "chỉ dành cho bạn" thường không có ý định tốt.
Đôi khi vụ lừa đảo diễn ra rất tinh vi và bạn vẫn bị lừa cho dù đã áp dụng tất cả các tips trên, bạn phải làm gì?
Gọi cho cảnh sát
Sau khi vụ việc lừa đảo của Mobile Air lan truyền trên Internet, hôm qua, cửa hàng này đã tạm phải đóng cửa trước làn sóng phản đổi của người tiêu dùng. Ảnh: Facebook. |
Nếu tình huống tệ nhất xảy ra - như trong trường hợp của anh Thoại, hãy gọi cho cảnh sát hoặc Hiệp hội người tiêu dùng Singapore để được trợ giúp. Nghe thì nghiêm trọng nhưng ở Singapore, cảnh sát can thiệp trong những vụ tranh chấp mua bán là bình thường. Nếu phần phí này liên quan đến điện thoại (thông thường là thế), những tên lừa đảo sẽ lén bỏ đi phần phí này khi thấy có sự can thiệp của cảnh sát. Nếu cửa hàng vẫn kiên quyết, cảnh sát sẽ nghe câu chuyện từ hai phía, cố gắng giải quyết tranh chấp và giúp bạn viết biên bản nếu cần thiết.
Nếu bạn phát hiện mình bị lừa sau khi rời khỏi cửa hàng, bạn có thể:
Quay lại
Bạn có thể không lấy lại được tiền nhưng bạn có thể cảm thấy thoải mái hơn khi đối đầu với những người xấu (đương nhiên là với một thái độ bình tĩnh và có lý lẽ). Hỏi người bán tại sao bạn phải mua với giá cao hơn giá đúng của món đồ. Ở Sim Lim, bất cứ cửa hàng nào có logo "STARetailer" đều có nghĩa vụ phải trả lại cho bạn phần tiền chênh lệch so với giá đề nghị. Hãy liên hệ với quầy thông tin của Sim Lim để biết thêm chi tiết nhé.
Gửi văn bản khiếu nại
Hiệp hội Tiêu dùng Singapore hợp tác với Ủy ban Du lịch Singapore (STB) sẽ xử lý những khiếu nại của khách du lịch. Nếu bạn gửi văn bản cho họ, họ sẽ đóng vai trò trung gian và đại diện bạn tại tòa án (nếu vụ việc cần phải đến mức đó). Bạn cần giữ lại hóa đơn và danh thiếp của cửa hàng và/hoặc người bán đã tiếp bạn hôm đó. Bạn có thể liên hệ với STB qua hotline 1-800-736-2000.
Báo cáo về cửa hàng lừa đảo trên STOMP
Stomp.com.sg là trang "tạp chí của công dân" nơi mọi người cảnh báo nhau về những nơi lừa đảo du khách như thế này. Bên cạnh STOMP của Singapore, bạn cũng nên kể lại câu chuyện của mình trên những diễn đàn du lịch uy tín để những người khác không rơi vào tình huống trớ trêu như bạn.
Tránh xa những khu bán hàng không minh bạch. Ảnh: Facebook. |
Có nhiều cách tránh bị lừa nhưng cách tốt nhất là hãy là một người tiêu dùng thông minh và có đầy đủ thông tin cần thiết. Luôn biết được giá đề nghị chính thức của món hàng mình muốn mua và luôn cảnh giác trước khi đặt bút ký vào bất cứ văn bản nào cửa hàng đưa cho bạn.
Theo ione