Hãy nhớ rằng, đâu đó có những kẻ xa quê như tôi đang mong lắm phút giây bên gia đình vào ngày này.
1. Sáng dậy! Tuyết đã tan gần hết.
Từ ngày sang đây, tôi không có khái niệm xem lịch âm nhưng nhịp sinh học cứ đếm đủ 15 ngày là trong lòng lại bồn chồn, lại nhắn tin về nhà nhờ người sang căn phòng mình sống ở Hà Nội thắp hương.
Cũng vì cái nhịp sinh học quái đản này - “quay” đủ 15 ngày, như có tín hiệu “tinh tinh” trong đầu, cho nên những ngày Tết đến xuân về, muốn tạm quên đi dịp cuối năm này thật khó.
Nhiều du học sinh không được về quê ăn Tết. Ảnh minh họa. |
Mở máy tính lướt Facebook, newfeed của bạn bè ngập tràn cảnh Tết. Các bạn mặc áo dài truyền thống chụp ảnh, vài ba đứa than vãn chửi thề cảnh tắc đường, lại thêm vài bạn tranh thủ mấy bán thực phẩm online.
Thôi thì cứ vờ như là tạm an ủi. Xem như công nghệ tái hiện một xã hội thu nhỏ, góc ngày Tết, mà nếu như giờ này ở Việt Nam, chắc mình cũng đang như vậy, đi mua sắm, hẹn hò bạn bè, chuẩn bị về nhà và bần thần mong chờ khoảnh khắc nấu bánh chưng.
2. Đây là Tết đầu tiên xa nhà. Cứ thi thoảng, nhìn thấy máy bay trên bầu trời là mắt lại ngước lên nhìn theo. Cứ thảng hoặc, lại nhớ những cái Tết đã qua trong đời mình.
Ngày bé, không giống như những đứa trẻ con thời đói nghèo, chúng mong Tết để được ăn món mà ngày thường không được ăn, hay Tết là dịp chúng được mặc manh áo mới. Tết với mình là những ngày cả gia đình vui. Tết là dịp được gần bố - người đã bôn ba cả năm trời và chỉ về nhà ngày Tết.
Sau đó là khoảnh khắc chuẩn bị. Tết có lẽ là dịp ngắm khuôn mặt của mẹ giãn ra sau một năm vất vả mưu sinh. Mẹ có lẽ là người tôn trọng ngày đặc biệt, những khoảnh khắc như Tết. Cả năm có đói khổ, buồn đau đến đâu, nhưng cứ Tết là phải vui.
Không vui thì không phải Tết.
Cảnh cả nhà chùi rửa những tấm lá dong, cắt thịt, đãi nếp, đồ đậu xanh, bóc hành đến chảy cả nước mắt có lẽ là những khoảnh khắc vô giá. Khó có một phút giây nào “gia đình” hơn khoảnh khắc đó.
Những chiếc bánh mới rời khỏi nồi, cả nhà khệ nệ cần mẫn chùi rửa, ép nước, sau đó treo lên xanh rực một góc nhà. Đó dường như là biểu tượng của sự mong muốn no đủ, hạnh phúc, sang năm bớt gánh nặng mưu sinh của gia đình mình.
Ra Hà Nội học và làm việc, những ngày Tết cũng vội vã hơn. Mình chợt về, chợt đi, có khi sát Tết lắm mới về. Nhưng với mẹ, khi nào mình có mặt ở nhà lúc đó mới bắt đầu Tết.
Thời gian cứ trôi đi, con người ta chỉ mong mọi thứ còn vẹn nguyên. Sự vẹn nguyên của những khoảnh khắc, niềm vui hay cả sự chờ đợi, nhưng nó cứ rạn vỡ dần bởi nhịp thời gian, nhịp sống. Và nay, mình không ở đó, chỉ nhấm nháp chút thời gian trôi chầm chậm mong ngày trở lại.
3. Đứa em chơi cùng ở Hà Nội gọi điện sang khoe tiền thưởng Tết. Nó được thưởng kha khá, chắc gia đình sẽ có cái Tết “no đủ”. Mừng cho nó.
Mới năm ngoái, nó ở Singapore, gọi điện tâm sự với mình vì nhớ Tết, nhớ gia đình mà cả hai chảy nước mắt. Nó bảo, cứ phải ăn Tết ở nơi không phải quê hương một lần để tự hứa rằng, sẽ không bao giờ có lần thứ 2 như thế.
Dường như ngày nay mọi người bị ám ảnh bởi vật chất và những thứ hào nhoáng của Tết mà quên đi cốt lõi - Tết là lúc chúng ta hướng về gia đình. Nếu ai đó đang có ý định trốn chạy Tết, hãy nhớ rằng, đâu đó có những kẻ xa quê như tôi đang mong lắm có được phút giây bên gia đình vào ngày này.
4. Nắng đã lên rất cao. Những đứa trẻ da màu ra sân chơi bóng chày, những tiếng kêu gọi í ới vang cả một góc đường.
Lâu lắm rồi mới thấy trời xanh đến vậy, dường như mùa đông tạm lánh đi đâu đó để an ủi tâm trạng mình - chứ nếu cứ xám xịt tuyết rơi như tuần trước, chắc lại bần thần nhớ nhà, nhớ Tết.
Chợt nhớ đến những khoảnh khắc ngồi ở sân bay. Các chuyến đi mở ra cho mình ước mơ, đích đến mới. Có lẽ không bay đến chỗ này, mình cũng bay đi chỗ khác. Âu là sự lựa chọn.
Không có mảnh đất nào xa lạ, chỉ có kẻ độc bước mới là người lạ.
Tin nhắn của bạn báo họp nhóm để làm presentation ở lớp truyền thông. Tiếng tin nhắn như thông báo đã hết giờ lảm nhảm chuyện nhớ nhà và cũng là thứ hiện diện để tự thấy rằng, mình không phải là kẻ độc bước ở chốn này.
theo zing