Để làm được món thịt lợn muối chua ngon, nhất thiết phải mua được thịt và xương lợn đen được nuôi ở các bản vùng cao. Nếu muối thịt mà mua thịt lợn chở từ miền xuôi lên sẽ không thành, vì lợn nuôi bằng cám tăng trọng nên thịt nhão, bở.
Mỗi một vùng miền, một dân tộc lại có nét ẩm thực riêng độc đáo. Nếu như nhắc đến món ăn đặc trưng của dân tộc Thái, hẳn chúng ta không còn xa lạ với ống cơm lam dẻo bùi, ăn cùng miếng cá “pa pỉnh tộp” thơm bùi, hay miếng măng rừng ngọt lừ trong cổ họng.
Tuy nhiên, ít người biết rằng, một món ăn khác thường xuất hiện trong bữa ăn của bà con miền núi, đặc biệt thơm ngon hấp dẫn, lại có cách chế biến không quá cầu kỳ. Đó chính là món thịt lợn muối chua.
Để làm được món thịt lợn muối chua ngon, nhất thiết phải mua được thịt và xương lợn đen được nuôi ở các bản vùng cao. Lợn bản nuôi là loại lợn thả rông, chỉ ăn rau củ, hoa quả, rễ cây rừng nên lớn rất chậm, thịt đặc biệt ngon. Nếu muối thịt mà mua thịt lợn chở từ miền xuôi lên sẽ không thành, vì lợn nuôi bằng cám tăng trọng nên thịt nhão, bở. Thịt muối chua làm ra sẽ không để được lâu.
Thịt lợn mua về, rửa sạch rồi thái miếng vừa ăn. Xương lợn chặt nhỏ. Món thịt chua nhất thiết phải có xương lợn, như vậy hũ thịt mới chua và lên màu đỏ hồng. Khác với món nem chua hay nhiều món ăn khác ở miền xuôi, thường có thêm thính gạo, món thịt chua miền núi lại chỉ dùng bí xanh, thêm một loại rau rừng có vị chua rôn rốt để muối cùng, vài nhánh gừng, tỏi, mắc khén, muối, ớt.. trộn đều với thịt và xương lợn; rồi cho vào hũ. Nhớ chặt vài lá cây vả rừng đậy kín lại, sau này thịt chua sẽ có cả vị thơm của lá vả. Khoảng một tuần sau, hũ thịt dần “chín”, Mở nắp đậy, dậy lên mùi thơm của gia vị, của lá rau rừng, tuyệt nhiên không có mùi tanh của thịt hay xương.
Trước đây, thịt lợn muối chua chỉ được chế biến vào Tết Nguyên Đán. Vì hồi đó cả bản nhà nào cũng nghèo, cả năm mới nuôi được con lợn thịt ngày tết, để ăn cả 12 tháng. Dành ra một ít ăn tết, gói bánh chưng gù. Mỡ thì rán để vào hũ tre. Miếng ngon thì cắt treo trên gác bếp làm thịt sấy khô, còn lại ít thịt và xương thì băm nhỏ, muối chua để được lâu lắm.
Đến bữa ăn, mẹ mở thịt thơm thơm, chua chua ra gắp lấy một bát con. Chưng lên ăn với rau má, rau dại hái quanh vườn nhà. Một gắp rau rừng ngọt mát, đăng đắng ghém cùng miếng thịt lợn chua chua. Chỉ có một món thịt chua thôi mà ăn được thật nhiều cơm. Đi trọ học ở huyện, mẹ dúi cho một ít thịt chua mang theo mà rớt nước mắt, mình mang đi nhiều thế. Ở nhà, bố mẹ với các em biết ăn gì?
Xứ Thái bây giờ giàu đẹp và văn minh hơn nhiều rồi. Lúc nào muốn ăn thịt chua thì mua về làm, không cần chờ đến tết nữa. Vào bất kỳ quán ăn dân tộc nào, cũng có thể được ăn thịt lợn muối chua, chủ quán bày lên mâm cơm thấy bát thịt lợn thơm thơm, ghém ăn một miếng mà lại phải ăn thêm vài miếng nữa mới cảm nhận được hết độ ngon của món ăn tưởng chừng rất bình dị.
Tuy nhiên, thứ lá rừng được muối cùng thịt chua ngày nào, đã không thể tìm được ở trên núi nữa. Vì vậy món thịt chua mất đi một phần hương vị. Hay phải chăng cái cảm giác thiếu thiếu đó vì đã đi qua một thời đói khổ ngày xưa?
Theo dantri