Trong khuôn khổ Liên hoan ẩm thực quốc tế đang diễn ra tại TP Hội An (Quảng Nam), Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tổ chức trình diễn chế biến, sắp đặt và mời người dân, du khách cùng thử làm và thưởng thức các món bánh ngon truyền thống ở phố Hội.
Du khách hào hứng ghi hình các không gian trình diễn nghề làm bánh truyền thống ở Hội An
Trong không gian sắp đặt nghệ thuật đậm chất dân dã bên bờ sông Hoài, những nhà nghề có tiếng cùng mang ra trình làng, thết đãi người dân và du khách những món bánh đặc sản “ăn chơi mà ngon thiệt” ở Hội An từ bánh bao bánh vạc, bánh xoài, bánh ram, bánh xèo, bánh đúc, bánh tráng đập... Đặc biệt, ngay trong không gian ngày hội bánh truyền thống ở phố cổ, người dân và du khách không chỉ được xem các nhà nghề trình diễn các công đoạn chế biến riêng cho từng món bánh.
Bánh bao bánh vạc: Là một trong những loại bánh nổi tiếng bậc nhất ở Hội An, góp phần tạo nên thương hiệu ẩm thực đặc trưng riêng có từ xưa đến nay. Với hình dáng xinh xắn tựa như những cánh hoa hồng nên còn có tên gọi mĩ miều là Hoa hồng trắng.
Bánh bèo: Là một trong những món ăn dân dã, mang phong vị đặc trưng của vùng quê sông nước bởi sự kết hợp giữa hai nguyên liệu chính là những hạt gạo dẻo thơm và những con tôm tươi rói được bắt từ dòng sông, con lạch quanh khu vực Hội An.
Bánh đúc: Là một loại bánh dân dã, bình dân nhưng không kém phần thơm ngon, lạ miệng; khi ăn chấm với một loại nước chấm pha cùng một số gia vị như đường, chanh…
Bánh đập: Dùng tay đập nhẹ lên bánh để thưởng thức, vì thế có tên là bánh đập; để bánh ướt và khô dính lại với nhau rồi chấm với hỗn hợp nguyên liệu nước mắm cái pha loãng với đường, băm nhuyễn, dầu và hành phi vừa tới, có thể thêm một ít tương ướt tùy theo khẩu vị.
Bánh ít, bánh suse: Trước đây được cư dân địa phương chế biến nên để cúng giỗ tổ tiên trong các ngày lễ tết, dùng làm quà biếu trong các dịp hiếu, hỉ và gần đây là để bán cho khách du lịch.
Bánh da: Cách thức chế biến bánh không quá phức tạp nhưng đòi hỏi sự tinh tế trong phối trộn. Người thợ trộn đều bột gạo, bột năng với đường cát trắng và điểm xuyết thêm cà rốt, dừa...
Bánh ram: Đến Hội An, bạn sẽ thấy trên một số ngã ba, ngã tư đường phố, bày bán một loại bánh tròn trĩnh màu vàng, lấm tấm những hạt mè vàng bên ngoài thì đó chính là bánh ram. Bánh được chiên cho đến khi lớp da bên ngoài trở nên vàng, giòn, đó chính là cái giòn của bột nếp cộng với cái bùi của nhân đậu càng tăng thêm độ ngon khi ăn.
Bánh xoài thường ăn kẹp với bánh ram là loại bánh được làm từ bột nếp có hình giống quả xoài cơm nên từ đó có tên là bánh xoài. Da bánh làm từ bột nếp rang, xay nhuyễn, sau đó cho nước sôi vừa phải vào để làm thành một loại bột dẻo
Những món bánh ngon lành này hầu như đều được làm từ sản phẩm của nhà nông địa phương
Những món bánh ngon lành này hầu như đều được làm từ sản phẩm của nhà nông địa phương, cùng với sự sáng tạo, khéo léo và cả những bí kíp gia truyền của những nhà nghề có tiếng. Bánh truyền thống của Hội An còn là sản phẩm của nền văn hóa ẩm thực có sự giao thoa văn hóa ở mảnh đất xưa vốn là một thương cảng sầm uất do đó mà đặc biệt phong phú, chiều được khẩu vị của thực khách khắp nơi trên thế giới.
Theo dantri.com.vn