Người Việt cấm kỵ gõ đũa vào bàn hoặc bát vì rất mất lịch sự, người Nhật sau khi ăn xong thường cầm đũa giữa ngón trỏ và cái của hai tay và nói gochisosama với ý nghĩa cảm ơn bữa cơm ngon.
Dưới đây là một số điểm khác biệt khi dùng đũa trong bữa ăn của một số nước.
Việt Nam
Blogger chuyên viết ẩm thực Linh Nguyễn (chủ trang Indiechine) sinh ra ở Hà Nội và hiện sống ở Hội An. Theo Linh, dùng đũa là cách ăn chuẩn để thưởng thức các loại mì, miến, phở của Việt Nam. Đũa cho phép người dùng ăn theo cách truyền thống, vừa đảm bảo lịch sự và hợp vệ sinh.
Trẻ em Việt Nam thường học cách dùng đũa từ khi mới đi học mẫu giáo hoặc lớp 1. Linh chia sẻ thêm: "Trẻ em không được dùng đũa gõ xuống bàn hoặc bát vì người Việt tin rằng việc đó sẽ gọi "ma đói" và thật khiếm nhã khi ăn lại gây ra tiếng ồn".
Một bữa cơm của người Việt. Ảnh: Indiechine |
Linh cho biết, ở miền Bắc Việt Nam, đũa thường làm bằng tre còn người miền Nam lại dùng thân dừa. Đũa thường dẹt, không trang trí và có đầu cùn. Người Việt dùng đũa này thấy dễ và bền hơn vì thời tiết luôn nóng ẩm.
Trung Quốc
Sam Cheng sinh ra và lớn lên ở Hong Kong. Anh cho biết dùng đũa rất phổ biến cả ở Hong Kong và đại lục Trung Quốc khi ăn mì, cơm hay các món chính. Trẻ em Trung Quốc cũng học cách dùng đũa khi còn nhỏ.
Tuy nhiên, Sam chia sẻ "những món Âu như thịt xông khói ăn với trứng thì thường ăn bằng dao và dĩa". Sam còn cảnh báo, khi dùng đũa không được cắm thẳng đứng lên bát ăn của mình vì nó trông giống như cúng người chết. Nếu có người cắm đũa như vậy, mọi người cho rằng điềm xấu sẽ xảy ra.
Nhật Bản
Maya Tanaka, người có một nửa dòng máu là Nhật, cho biết đũa Nhật dùng để ăn tất cả món không được sử dụng tay. Thực tế đồ ăn Nhật thường được chia ra nhiều món nhỏ hơn, mỗi món lại cắt thành nhiều phần. Tanaka cho rằng đũa hữu ích hơn các dụng cụ ăn phương Tây, ví như khi ăn cá dễ bỏ xương.
Tanaka còn chia sẻ rằng nhiều nhà hàng cổ ở Nhật chỉ cho thực khách dùng đũa (có thêm thìa khi ăn súp hoặc món tráng miệng). Do đó, du khách sẽ khá bất tiện khi đến những nơi này để thưởng thức ẩm thực Nhật.
Ông Toru, cha của Tanaka, sinh ra và lớn lên ở Tokyo cho biết: "Khi dùng bữa xong bạn phải đặt đũa giữa ngón cái và ngón trỏ của cả hai tay sau đó nói gochisosama (nghĩa là bữa cơm rất ngon, cảm ơn mọi người)". Hơn nữa, khi ăn mọi người thường cầm sao cho đầu gắp đồ ăn của hai chiếc đũa luôn chạm nhau.
Đũa Nhật cũng là một tác phẩm nghệ thuật. Ảnh: everythingchopstick |
Trong văn hóa Nhật, đũa còn hơn cả một dụng cụ ăn, bản thân chúng cũng là những tác phẩm nghệ thuật. Trong các gia đình Nhật thường có những bộ đũa đẹp với tấm kê làm bằng vỏ bào ngư hay sơn mài. Các họa tiết trang trí trên đũa cũng đa dạng từ hoa anh đào, hình cò, sếu... được khảm trai hoặc sơn mài.
Hàn Quốc
Đũa Hàn Quốc hầu hết là loại dẹt làm bằng kim loại. Annie Park, một người Hàn Quốc cho hay, đũa thường xuyên được dùng trong các bữa ăn, đặc biệt nhất là khi thưởng thức những món truyền thống.
Khi ăn mỗi người có bát, đĩa và đũa riêng, một tay cầm bát, tay còn lại để cầm đũa hoặc thìa lấy thức ăn. Trẻ em có thể luyện tập bằng cách dùng đũa nhỏ, ngắn hơn nhưng cũng rất bình thường nếu chúng cầm đũa của người lớn. Như Annie nói người Hàn Quốc dùng đũa "chuyên nghiệp từ bé".
Thìa và đũa của người Hàn Quốc thường dẹt và bằng kim loại. Ảnh: amazon |
Thái Lan
Một quan niệm sai lầm về đũa khi ăn các món Thái Lan là chúng dùng để ăn tất cả mọi thứ. Tarn Susumpow, người Thái Lan đang sống ở Bangkok cho hay những dụng cụ ăn phương Tây vẫn khá phổ biến tại đây.
Các loại mì, súp hoặc cháo đặc như askhao tom gui đều được ăn với đũa. Susumpow cho biết một số người ăn đồ trực tiếp từ đũa nhưng chủ yếu đũa dùng để gắp thức ăn (thịt, rau, mì) chuyển qua thìa trước khi cho lên miệng thưởng thức. Bạn đừng dùng đũa như que xiên để ăn những miếng thịt viên.
Vài năm gần đây, Thái Lan có xu hướng sử dụng đũa đẹp làm thủ công, Susumpow lại chia sẻ loại đũa gỗ dùng một lần hoặc những đôi đũa nhựa dài vẫn thịnh hành nhất.
Theo Vnexpress.net