Năm 2015, khán giả bị “ngộp” với phim điện ảnh Việt. Nếu cách đây vài năm, khán giả chỉ được xem phim Việt vào dịp Tết hoặc các dịp lễ lớn thì trong năm nay, trung bình mỗi tuần đều có ít nhất 1-2 phim được ra mắt.
Mặc dù phim Việt được công chiếu "ào ạt" nhưng không phải khán giả luôn được thưởng thức những bộ phim hay đúng nghĩa, không ít phim tiếp tục ghi tên vào danh sách thảm họa của phim Việt. Dĩ nhiên, vẫn có những bộ phim thành công rất bất ngờ, và tiêu chí "phim đầu tư cao" sẽ thành công cũng không phải lúc nào cũng đúng. Điều này còn phụ thuộc rất nhiều vào tư duy của một nhà làm phim, của đạo diễn và nhiều yếu tố khác.
Trong khuôn khổ bài viết ắt hẳn không thể phản ánh đầy đủ những bộ phim đã được ra mắt trong năm. Chúng tôi xin điểm danh những bộ phim nổi bật về mặt doanh thu, sự yêu thích và những phim được đánh giá là thảm họa của năm.
Những bộ phim đáng xem
Trúng số
Trong hàng loạt các phim Việt ra rạp trong dịp Tết 2015 thì nổi cộm nhất vẫn là Trúng số. Bộ phim do Dustin Nguyễn làm đạo diễn với sự góp mặt của các diễn viên: Chí Tài, Ninh Dương Lan Ngọc, Thu Trang, Dustin Nguyễn, Kim Xuân...
Trước đó bộ phim không được PR rầm rộ, nhưng khi ra rạp khán giả bất ngờ vì bộ phim xoay quanh đề tài trúng số được khai thác rất gần gũi, thú vị. Trúng số mang lại tiếng cười và câu chuyện giản dị về tình người, mang thông điệp tích cực về cuộc sống. Chính “sức mạnh” của phim đã giúp bộ phim được lan tỏa và giữ được tình cảm của khán giả và kéo họ đến rạp.
Theo thống kê từ CJV, doanh thu của Trúng số đạt được 27 tỷ với mức đầu tư 7 tỷ đồng.
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh
Ra rạp vào những tháng cuối năm nhưng là một trong số những bộ phim được chờ đợi nhất của năm 2015. Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là bộ phim được chuyển thể từ truyện dài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã tạo nên một cơn sốt của phim Việt những tháng cuối năm. Bộ phim giành được giải thưởng cao nhất - Bông sen Vàng tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 18.
Nội dung phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh khá nhẹ nhàng với những câu chuyện trẻ con nơi làng quê. Qua bàn tay của đạo diễn Victor Vũ, chưa bao giờ khán giả có thể nhìn thấy quê hương Việt Nam ngọt ngào đến thế, đẹp và lung linh đến thế. Và đặc biệt là cảm xúc về một tuổi thơ đã in sâu vào lòng của những thế hệ 7, 8X được truyền tải khá trọn vẹn.
Bộ phim đầu tiên có sự "bắt tay" của nhà nước và những nhà làm phim tư nhân đã mang lại thành công lớn khi thu về 80 tỷ với số tiền chi phí bỏ ra là 20 tỷ đồng.
Vẽ đường cho yêu chạy
Thành công bất ngờ nhất có lẽ là bộ phim Vẽ đường cho yêu chạy. Trước khi ra rạp, bộ phim không được chú ý bởi ê-kíp làm phim là những người trẻ và dàn diễn viên cũng không có ngôi sao ăn khách, không có kinh phí khủng để đầu tư. Thế nhưng, khi cho ra mắt bộ phim nhận được phản hồi khá tích cực từ những người làm phim lẫn khán giả.
Vẽ đường cho yêu chạy được đánh giá cao bởi một kịch bản hiện đại, thực tế, ăn khớp với cuộc sống của giới trẻ thời này; mạnh dạn phá bỏ rào cản “sách vở” để xây dựng các nhân vật sát với hình mẫu thanh – thiếu niên ngày nay. Tạo hình, lời thoại và diễn xuất của các diễn viên đều hết sức thực tế, đúng với tác phong giới trẻ. Các tình huống đặt ra rất gần gũi, khán giả dễ dàng nhìn thấy chính mình trong một phần câu chuyện; và cách giải quyết vấn đề hợp lý, không phải kiểu qua loa hay có cái kết “té ngửa” như trong các phim Việt khác.
Đạo diễn Victor Vũ đã không ngại khen ngợi Vẽ đường cho yêu chạy là một bộ phim “dễ thương và duyên dáng”, “hay quá”, thậm chí phấn khích in hoa “I love this movie”.
Yêu
Yêu là một bộ phim về tình yêu đồng giới ngọt ngào, đầy cảm xúc và đáng xem nhất trong tất cả các phim đã thực hiện về chủ đề đồng tính tại Việt Nam từ trước đến nay.
Điểm ấn tượng nhất ở phim có lẽ một phần do chuyện tình cảm rất đẹp của Chi Pu và Gil Lê được mang lên phim rất nhẹ nhàng, trong sáng.
Yêu đã dẫn dắt được khán giả theo mạch tình cảm của nhân vật một cách dễ chịu và ngọt ngào, khiến khán giả không cảm thấy khiên cưỡng hay gượng ép khi xây dựng tình yêu đồng giới. Ngoài ra ở phim Yêu, mạch truyện với nhiều nhân vật xuyên suốt và mấu chốt của cuộc sống vẫn là tình yêu, tình thương mà mọi người trong gia đình dành cho nhau. Gần gũi, chân thật chính là cách Yêu xây dựng và thành công. Đón nhận được tình cảm, sự yêu thương của khán giả dành cho bộ phim.
Em là bà nội của anh
Đây là bộ phim thành công bất ngờ nhất với doanh thu cao ngất ngưỡng. Mặc dù không có chiến dịch PR rầm rộ nhưng sức hút của phim được lan truyền một cách chóng mặt sau khi công chiếu.
Tính đến thời điểm hiện tại, doanh thu của Em là bà nội của anh đã cán mốc 70 tỷ với mức đầu tư 15.7 tỷ đồng.
Bộ phim dựa trên kịch bản của một phim điện ảnh ăn khách của Hàn Quốc, thế nhưng khi chuyển thể và thực hiện tại Việt Nam, bộ phim đã tạo được đời sống riêng gần gũi với khán giả Việt. Không ít nhận định cho rằng, Em là bà nội của anh còn hay hơn phiên bản gốc.
Nữ chính Miu Lê được đánh giá khá cao sau khi thực hiện phim lần này. Đặc biệt phần thể hiện nhạc phim do Miu Lê đảm nhận cũng được đông đảo khán giả đón nhận và yêu thích. Giọng ca của Miu Lê khi trình diễn ca khúc nhạc Trịnh phù hợp với bối cảnh phim đã gây xúc động cho khán giả rất nhiều.
Những bộ phim thảm họa
Tây du ký hậu truyện
Ra rạp những ngày đầu năm 2015, phim Tây du ký hậu truyện đã được xem là “thảm họa mới” của điện ảnh phim Việt khi cộng đồng mạng ném đá không thương tiếc. Ngay cả các diễn viên tham gia trong phim cũng vô cùng thất vọng khi bộ phim công chiếu. Ca sĩ - diễn viên Phương Thanh cũng tham gia trong phim, khi đánh giá sự thất bại của phim, chị cho rằng bộ phim được làm quá ẩu và thay đổi nội dung, mọi thứ được chỉnh sửa một cách lấp liếm nên đã làm nên bộ phim thảm họa. Thực tế là nhiều khán giả đã bỏ về sau chừng 20-30 phút xem phim.
Việc quay phim cẩu thả, dựng phim rời rạc… coi thường, xuyên tạc các nhân vật đã thành biểu tượng như Hằng Nga, Thái Thượng Lão Quân, Đường Tam Tạng… cũng góp thêm phần thất bại.
Bên cạnh đó là công tác hậu kỳ và kỹ xảo quá yếu khiến các rạp không chịu nhận chiếu, nên buộc ê-kíp sản xuất phải sửa lại rất nhiều, mất thêm thời gian.
Được biết, Tây du ký hậu truyện ban đầu do “đạo diễn thảm họa” - Nhất Trung thực hiện sau đó đạo diễn trẻ Nguyễn Thành Nam tiếp nhận để sửa chữa nên không thể cứu vãn được gì.
Ý tưởng làm phim quá lớn so với năng lực nên đã cho ra đời một bộ phim rất tệ. Đây là bộ phim thảm họa bậc nhất của năm 2015.
Hy sinh đời trai
Bộ phim do Trần Bảo Sơn làm nhà sản xuất và đạo diễn Lưu Huỳnh đảm nhận, thế nhưng sự kết hợp này đã không mang lại thành công cho cả hai. Đây còn được xem là “bước lùi” của đạo diễn Lưu Huỳnh. Rất nhiều khán giả, người làm nghề từng ca ngợi và yêu mến anh ở “Áo lụa Hà Đông”, “Lấy chồng người ta”... vô cùng thất vọng.
Nội dung phim được xây dựng lủng củng, khi xem phim mà cảm giác rất “giật cục”, đến gần nửa phim khán giả vẫn không biết điểm nhấn của phim nằm ở đâu ngoài những nội dung lan man, thậm chí là “nhảm”.
Thêm nữa, đây là thể loại phim ca nhạc do các chính các diễn viên trong phim hát cũng không thật sự hay, không thể đẩy mạch phim lên hay, tạo được cao trào.
Việc PR quá đà cũng tạo nên “tác dụng ngược” vì với sự kỳ vọng trước đó cho đến khi phim ra rạp khiến khán giả vô cũng thất vọng. Việc “treo đầu dê – bán thịt chó” trên poster càng khiến khán giả ngỡ ngàng. Khi Hồ Ngọc Hà chỉ nhận lời trong vai trò khách mời hình ảnh cô được xuất hiện khá hoành tráng, những diễn viên chính thì lại chiếm vị trí khiêm nhường trên poster.
Với sự “thất bại” toàn diện, Hy sinh đời trai là một bộ phim “đáng quên” của Trần Bảo Sơn lẫn đạo diễn Lưu Huỳnh.
Trùm cỏ
Sự xuất hiện của danh hài hàng đầu Việt Hương, Trấn Thành, Thu Trang cũng không cứu nổi bộ phim Trùm cỏ. Nội dung phim có nhiều điểm vô lý xuất hiện và cái kết kiểu “lật bàn đến ngỡ ngàng” thực sự khiến khán giả ngẩn ngơ.
Diễn viên chính Quang Đăng hoàn toàn trở thành “yếu tố phụ” trong phim. Với biểu cảm gương mặt “trước sau như một” khiến anh không thể lột tả hết nội tâm nhân vật, trôi tuột hết hình ảnh sau khi phim kết thúc.
Mặt khác, những mảng miếng hài của Thu Trang, Trấn Thành và Việt Hương phù hợp với những tình huống sân khấu hơn phim điện ảnh.
Mặc dù ít nhiều cũng mang đến tiếng cười giải trí nếu khán giả không quá khó tính nhưng đây cũng là bộ phim trở thành “bom xịt” sau khi ra rạp so với quảng cáo hoành tráng trước đó.
Mỹ nhân
Ngay từ khi chưa công chiếu, chỉ mới tung trailer phim Mỹ nhân đã gây tranh cãi kịch liệt với trang phục thực hiện khá cẩu thả. Hình ảnh "chú sư tử" trong phim hoạt hình được dùng làm họa tiết trên long bào của vua khiến nhiều người cảm thấy ngỡ ngàng.
Khi ra rạp, nội dung phim cũng không được đánh giá cao bởi sự thiếu tinh tế của phim cổ trang. Ngoài ra, nhiều cảnh nóng trong phim được xem làm dùng để câu view và có phần “thô tục”, không truyền tải được nội dung cần thể hiện của phim do góc quay, ánh sáng thiếu tinh tế.
Thực tế, phim cổ trang thuộc thể loại kén khán giả, chính vì vậy nếu không được sự ủng hộ từ truyền thông và hiệu ứng tốt từ khi ra mắt thì bộ phim nắm chắc phần thua.
Thực tế đã cho thấy, với kinh phí đầu tư lên đến 16 tỷ nhưng phim chỉ thu về 500 triệu doanh thu. Ngay thời điểm phim Mỹ nhân ra rạp thì những bộ phim đình đám như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đang được khán giả yêu mến nên thất bại của phim càng không thể “cứu vãn” nỗi.
Tạm kết
Bước sang năm 2016, thị trường phim Việt cũng đã có rất nhiều bộ phim sắp ra mắt. Và với những thành công lẫn thất bại của phim Việt trong năm qua, phần nào cũng đánh giá được thị hiếu và sở thích cũng như tầm nhìn của khán giả dành cho phim Việt cũng dần thay đổi.
Và với rất nhiều sự lựa chọn dành cho khán giả hiện nay, thị phần cũng chia nhỏ nên sự thành công của phim không còn nằm ở những ngôi sao hay yếu tố câu khách rẻ tiền mà phải là những phim thật sự chất lượng và thể hiện được mong muốn của khán giả. Đó sẽ là yếu tố thu hút, tạo nên thành công.
Những bộ phim mang tính hài hước, nhân văn thật sự sẽ được đánh giá cao và chiếm được tình cảm của khán giả. Tiêu biểu như những gì Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Em là bà nội của anh đã làm được.
Theo dantri.com.vn