Cuộc sống luôn đòi hỏi vật chất, do đó khi con người chưa có tiền thì chúng ta thường đổi chác các vật phẩm theo giá trị tương đối để duy trì cuộc sống. Rồi xã hội phát triển hơn, đồng tiền bắt đầu xuất hiện như một thước đo cho giá trị vật chất. Hầu hết chúng ta ai cũng đều phải lao động để kiếm tiền nhằm phục vụ cho nhu cầu vật chất của mình.
Cũng có rất nhiều các loại công việc lao động khác nhau như trí thức: kỹ sư, bác sĩ, giáo viên hoặc lao động chân tay như khuân vác, lau dọn hoặc nghề khác như kinh doanh buôn bán, làm nghề nông … Tuy nhiên, trong bài viết này chúng ta sẽ cùng tìm hiểu một số việc được coi là khá lạ lùng nhưng cũng là cách một số người sử dụng để kiếm tiền.
Bán tóc người
Hiện nay, công nghệ làm đẹp đang ngày một phát triển. Chúng ta luôn quan tâm tới hình thức bên ngoài, đặc biêt là bộ tóc. Các hình thức làm tóc như nhuộm tóc, ép tóc, uốn tóc đã rất quen thuộc, ngoài ra hiện nay việc nối tóc cũng cực kì phát triển nhằm phục vụ những người không có đủ kiên nhẫn để đợi tóc dài trở lại hoặc cần một mái tóc dài gấp. Chính nhờ dịch vụ nối tóc, việc buôn bán tóc đã trở thành công việc kiếm tiềnh hiệu quả cho một số người.
Tóc được buôn bán với giá cao chủ yếu là tóc tự nhiên chưa qua xử lý hoặc nhuộm. Mặc dù có một số phụ nữ đã có hành động tặng tóc sau khi cắt cho các công ty sản xuất tóc giả nhưng con số này ở châu Âu và châu Mỹ cũng không nhiều. Nguồn tóc trên thị trường phần lớn đến từ các nước như Ấn Độ, Nga và các nước châu Á khác. Và thật không may khi lý do chủ yếu cho việc bán tóc này chính là vì sự nghèo đói.
Một số phụ nữ ở các quốc gia đang phát triển buộc phải bán tóc của mình để kiếm tiền. Ca sĩ Anh Jamelia đã thực hiện một cuộc tìm hiểu về nền công nghiệp nối tóc trong một bộ phim tài liệu sản xuất năm 2008. Cô này đã rất bất ngờ trước những gì mình tìm hiểu và chứng kiến được về việc khai thác tóc và tuyên bố rằng sẽ không bao giờ đội tóc giả hay nối tóc nữa.
Mặc áo phông để quảng cáo
Vâng, có bao giờ bạn có ý tưởng rằng mình sẽ kiếm ra tiền bằng cách mặc lên mình một chiếc áo phông không? Jason Sadler, chàng thanh niên 26 tuổi người Mỹ, kiếm được gần 85.000 USD/năm nhờ việc bán chỗ quảng cáo trên ngực áo thun anh mặc mỗi ngày. Là một cựu nhân viên marketing đến từ Florida, Jason Sadler đã thành lập công ty riêng năm 2008 mang tên www.iwearyourshirt.com với ý tưởng mặc áo thun của bất cứ công ty nào và dùng blog lẫn mạng xã hội để quảng cáo cho họ.
Dịch vụ của Sadler được tính tiền theo thứ tự ngày trong năm – ngày 1/1 có giá 1 USD, còn giá cho ngày 31/12 là 365 USD. Sadler cho biết mức phí này nghe có vẻ không nhiều nhưng lại giúp anh kiếm được tới 66.795 USD/năm nếu ngày nào cũng bán được quảng cáo, điều mà anh đã thực hiện thành công trong năm nay. Chàng trai này còn nhận quảng cáo cho sản phẩm có tài trợ với giá 1.500 USD hàng tháng, bổ sung thêm 18.000 USD vào thu nhập của mình.
Danh sách các khách hàng của IWearYourShirt bao gồm nhiều doanh nghiệp khác nhau, cả lớn lẫn nhỏ, từ tác giả của các cuốn sách, nhà phát minh cho đến các công ty sản xuất phần mềm Nissan và Citrix. Trong 5 năm, Sadler đã tăng gấp đôi giá dịch vụ lên và hiện đang kiếm được khoảng 500.000 đô la một năm. Theo lời của Sadler thì anh đã tuyển thêm bốn nhân viên vào làm việc cho công ty. “Mỗi người trong số họ thực hiện công việc quảng cáo sản phẩm của các nhà tài trợ theo hướng tiếp cận riêng của họ, miễn sao là có hiệu quả cao. Vì vậy giá tăng lên là hợp lý”.
Chơi điện tử
Việc chơi điện tử của các bạn trẻ thường chưa bao giờ làm hài lòng các bậc phụ huynh. Người ta luôn quan niệm rằng việc chơi điện tử chỉ làm bạn mất thời gian, tiền của, năng lượng mà chẳng giúp ích được gì. Dù bị lôi ra nhiều điểm không tốt nhưng trên thế giới hàng ngày hàng giờ vẫn có rất nhiều người chìm đắm trong những trò chơi điện tử bởi một lý do rất đơn giản đó là :sở thích. Tuy nhiên, nói chơi điện tử không kiếm được ra tiền là một sai lầm.
Trong thời đại hiện nay, ngành công nghiệp game làm một trong những ngành thú vị và đem lại lợi nhuận cao nhất trong thế giới công nghệ. Hàng trăm nghìn tín đồ chơi game từ khắp nơi trên thế giới hiện nay đã đạt đến khả năng của những “game thủ chuyên nghiệp”. Và họ thường xuyên được mời để cạnh tranh, đấu với nhau trong các giải đấu quốc tế lớn. Những cuộc thi này sẽ được truyền hình trực tuyến cho hàng triệu người xem và tất nhiên là không thể không có nguồn tài trợ hay quảng cáo khổng lồ. Một trong những giải đấu quốc tế lớn nhất về game trên thế giới thậm chí có giải thưởng lên tới 10 triệu đô la vào năm 2014.
Bác sĩ trợ tử
Có rất nhiều các nghành nghề khác nhau liên quan đến y học như bác sĩ, y tế, dược … và phần lớn chúng đều là những nghề có nhiệm vụ cứu chữa người bệnh bằng hết sức của mình. Tuy nhiên có một nghề bác sĩ mà được coi là cực kì khủng khiếp và phải rất dũng cảm mới có thể thực hiện được công viêc của mình đó chính là nghề bác sĩ trợ tử.
Nghề này đang ngày một phổ biến ở khắp mọi nơi trên thế giới. Công việc chính của những bác sĩ trợ tử là giúp bệnh nhân của mình kết thúc cuộc sống một cách yên ả và nhanh nhất,thường là bằng tiêm thuốc. Nghề này xuất phát từ khái niệm “cái chết êm dịu” (euthanasia) : đề cập đến việc thực hành kết thúc một cuộc sống với mục đích làm giảm thời gian chịu đau đớn và đau khổ về mặt thể lý cho người bệnh. Ủy ban đặc biệt của Thượng Nghị viện Anh về Đạo đức y học định nghĩa nó là "một sự can thiệp cố ý được thực hiện với ý định rõ ràng về sự kết thúc một cuộc sống, để xoa dịu sự đau đớn khó chữa". Trong cái chết êm dịu tự nguyện, người bệnh sẽ phải xác nhận sự tự nguyện của mình, thông qua hình thức pháp lý, xin bác sĩ chấm dứt sự sống của mình. Tính tới năm 2013, có 4 nước trên thế giới chấp nhận việc trợ giúp tự tử là Bỉ, Luxembourg, Hà Lan, Thụy Sĩ cùng với 4 bang ở Mỹ (Oregon, Washington, Vermont và Montana).
Hiện nay nơi thực hiện hình thức trợ tử nổi tiếng nhất là bệnh viên Dignitas tại Thụy Sĩ, nơi đây đã hỗ trợ cho cái chết của hơn 1000 người. Chi phí cho mỗi ca tự sát ở Dignitas là 4.000 euro. Nếu gia đình muốn bệnh viện lo luôn cả khâu hậu sự thì chi phí sẽ đội lên thành 7.000 euro. Tất cả bệnh nhân khi đã đến Dignitas đều không muốn lưu lại lâu. Trong suốt quá trình này, Dignitas chỉ đóng vai trò trợ giúp mà không can thiệp hay thúc ép. Thông thường, chỉ sau 5 phút, bệnh nhân sẽ rơi vào trạng thái hôn mê, tiếp đó thì tim ngừng đập. Cái chết đến có vẻ nhẹ nhàng và không đau đớn. Tuy nhiên, công việc này đang bị chỉ trích gay gắt.
theo genk