1. Đan xen phân cảnh hành động, bạo lực
Tâm lý khán giả đi xem rạp thường muốn trải nghiệm cảm giác mạnh nên những bộ phim hành động lấy đề tài tội phạm, thế giới ngầm thường gây được sự chú ý. Nắm bắt tâm lý này, các nhà làm phim Việt liên tục cho ra đời các tác phẩm có xoay quanh đại ca, côn đồ xã hội đen và chứa nhiều phân cảnh hành động kịch tính. (Phim: Bụi đời chợ lớn) |
Xu hướng làm phim hành động đã từng bị lên án vì không truyền tải các giá trị sống nhân văn, góp phần bạo lực hoá văn hoá phẩm nội địa. Tuy nhiên khi mà thị hiếu khán giả vẫn chưa có nhiều thay đổi, tương lai phim Việt sẽ còn nhiều bộ phim thể loại hành động. Điều quan trọng là các nhà làm phim phải có ý thức sử dụng yếu tố bạo lực tiết chế, có thông điệp chứ không chỉ để câu khách. (Phim: Hương ga) |
Khán giả Việt đã quá quen thuộc với các bộ phim hài lấy đề tài gangster, xã hội đen, đầu gấu, ông trùm... (Phim: Già gân, Mỹ nhân và Găng tơ). |
2. Tình yêu đồng tính
Có một thời điểm phim đồng tính Việt được ra lò liên tục như nấm sau mưa. Vốn là một đề tài nhạy cảm, còn gây nhiều tranh cãi nên không khó hiểu khi đồng tính là yếu tố khiến khán giả quan tâm, tò mò. (Phim: Hotboy nổi loạn) |
Phim về tình yêu đồng tính Việt chia ra 2 nhóm chính. Một bên sử dụng yếu tố lưỡng tính, đồng giới để gây hài, tạo điểm nhấn, nhóm này thường bị chỉ trích dữ dội vì góp phần tuyên truyền hình ảnh lệch lạc của người đồng tính. Một bên tập trung khai thác cuộc sống khó khăn của người đồng giới, đồng thời đấu tranh cho quyền lợi và nhấn mạnh thông điệp đồng tính không phải là bệnh. Nhóm phim thứ 2 có nhiều ý nghĩa nhân văn hơn nhưng vẫn chưa được ủng hộ nhiều do vẫn mắc phải thói quen lạm dụng cảnh nóng, bi kịch hoá thân phận đồng tính. (Phim: Để mai tính 2) |
Làm được bộ phim hay là điều rất khó, khai thác đề tài nhạy cảm thật hay lại khó hơn gấp bội. Hầu hết các bộ phim đồng tính, có yếu tố đồng tính ở Việt Nam còn vấp phải vấn đề chất lượng và thông điệp truyền tải. (Phim: Cầu vồng không sắc) |
3. Yếu tố kinh dị
Cũng giống như phim hành động bạo lực, phim kinh dị có sức hút với khán giả là bởi cảm giác mạnh, mang tính giải trí. Nhìn vào hàng loạt tác phẩm Việt ra đời những năm gần đây có thể dễ dàng nhận thấy 2 thể loại chủ đạo là hài và kinh dị. (Phim: con ma nhà họ Vương) |
Không tốn quá nhiều kinh phí như phim hành động hoành tráng, không đặt nặng vai trò truyền tải thông điệp, phim kinh dị có thể xem là bước đi khá dễ dàng cho các nhà làm phim. Sự đánh giá của khán giả dành cho phim kinh dị cũng dễ tính hơn so với các thể loại phim khác, vậy nên doanh thu của dòng phim Việt chỉ đứng sau phim hài. (Phim: Quả tim máu) |
Ngay cả với những tác phẩm không phải là phim kinh dị, đạo diễn vẫn "nhấn nhá" một chút yếu tố ghê rợn, giật gân để phim được hấp dẫn hơn. Thế mới thấy khán giả việt "chuộng" cảm giác mạnh như thế nào. (Phim: Scandal 2) |
4. "Dựa dẫm" vào các danh hài
Có ý kiến cho rằng, chỉ cần có Hoài Linh dù phim hay hay dở cũng đều cháy vé. Nhận định này không hề thiếu cơ sở, thực tế là hiện nay Hoài Linh đang là "ông hoàng phòng vé" số 1 Việt Nam. Để thu hút lượng khán giả ra rạp lớn, mỗi mùa lễ tết các nhà làm phim lại tranh giành Hoài Linh cho phim của mình. (Phim: Hello cô Ba) |
Không chỉ Hoài Linh, các danh hài được yêu thích khác như Trường Giang, Việt Hương, Thái Hoà cũng là bảo chứng phòng vé cho phim Việt. Có thể nói các tên tuổi quen thuộc này đang "thống trị" mảng phim rạp Việt, đi đâu khán giả cũng gặp, dẫn đến sự nhàm chán. (Phim: 49 ngày) |
Hiện tượng dùng tên tuổi danh hài để câu khách trở nên phổ biến trong thị trường phim Việt kéo theo sự ra đời của nhiều bộ phim hài nhảm, mì ăn liền. Các nhà làm phim quá dựa dẫm vào sức hút của dàn diễn viên mà quên đi việc phải đầu tư cho chất lượng kịch bản, quay phim. (Phim: Trùm Cỏ) |
theo ione