Mới đây, trên trang Facebook cá nhân, dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam Đỗ Nhật Nam đã viết "Lá thư cuối năm" gửi tới bố mẹ. Hiện tại, Nam đang là du học sinh tại trường Saint Paul, bang Texas (Mỹ) và phụ trách tờ báo Creative Melange - tờ báo tuổi teen của Đông Nam Á. Cái Tết đầu tiên ở xa nhà, Nhật Nam muốn "ngoái lại để chia sẻ lòng biết ơn" công lao dưỡng dục của cha mẹ mình. Lá thư nhận được nhiều quan tâm và chia sẻ của hàng nghìn người đọc.
Những dòng chia sẻ xúc động của Nam khiến nhiều độc giả cảm động. |
Năm học này em ở trường nội trú. Có nhiều điều mới mẻ, thú vị. Và em lúc nào cũng nhớ về nhà. Nhớ để biết ơn.
- Vào trường, em được học cách để sống chung với các bạn khác. Em cũng vụng về, cũng làm sai làm hỏng nhiều lần, cũng vẫn ẩu, chưa gọn gàng, chưa ngăn nắp. Nhưng em biết ơn bố vì khi em ở nhà, bố luôn dặn em phải quay lại nhìn công việc mình vừa làm, xem có gì cần dọn dẹp không. Đôi lần em hơi khó chịu khi bố cứ nhắc mãi về việc để đôi dép cho ngay ngắn, rồi vắt cái khăn mặt cũng phải hai mép trùng khít với nhau. Nhưng bây giờ, em mới thấy điều đó cần thiết đến nhường nào. Và em cố gắng sửa mình, theo từng lời bố dặn.
- Trường là nơi em cảm nhận rõ ràng về sự học hỏi. Em thấy mình có thể học hỏi từ mọi người ở bất kì lĩnh vực nào. Trong trường, không có môn học nào được gọi là môn “chính”. Tất cả đều có ý nghĩa như nhau trong sự khai mở tinh thần của học trò. Và thầy cô luôn bằng cách này hay cách khác giúp học trò thấy yêu vẻ đẹp của cuộc sống. Khi ấy, em biết ơn bố. Khi em còn ở nhà, bố không hỏi em về những kiến thức trong sách. Bố cho em đi nhiều nơi, cho em rời xa sách giáo khoa để ngắm chiều xuống, nắng lên, ngắm những phận người soi bóng qua những giọt mồ hôi mặn...
- Những ngày chủ nhật, em được chơi nhạc trong nhà thờ. Đôi lần, những lúc nhớ nhà, em mang violon chơi những bản nhạc mình thích. Cảm giác tâm hồn thật nhẹ nhàng. Khi ấy em biết ơn bố vì bố luôn khuyến khích cho em học nhạc. Em nhớ mãi những ngày mùa đông lạnh, những buổi mưa giăng kín trời, bố vẫn dẫn em đi lùng mua đàn, thay dây đàn, tìm thầy dạy nhạc để mong em có thể chơi tốt một loại nhạc cụ nào đó.
- Đợt thi vừa rồi, em mới cảm nhận rõ hai chữ “áp lực”. Khối lượng bài nhiều khủng khiếp nhưng trường vẫn giữ nguyên quy định, chỉ cho học đến 10h15 là đi ngủ. Câu nói nghe thấy nhiều nhất từ các bạn trong các khu nội trú mỗi khi thu máy là: "Cho em xin thêm mấy phút để làm bài". Khi ấy, em biết ơn bố vì lúc em ở nhà, dù có nhiều bài cỡ nào, bố cũng chỉ cho học đến 9h30. Em đã rèn luyện được việc “tăng tốc” trong học hành, để đến sang đây mọi thứ vẫn “êm ro”.
- Trường chỉ học đến 3h chiều, thời gian còn lại là dành cho các môn thể thao. Tinh thần “những công dân khỏe mạnh là tài sản lớn nhất của bất kỳ quốc gia nào” thấm đẫm trong trường học, khiến các môn học về thể lực luôn được đề cao. Em tham gia chơi golf, học bóng bàn, thi chạy, thi bơi... tất cả đều thử thách với giới hạn của bản thân. Và em biết ơn bố, bố luôn đồng ý cho em chơi những môn thể thao, kể cả mạo hiểm. Những trận bóng “nảy lửa” giữa em và bố là khởi đầu cho niềm yêu thích thể thao trong em.
- Trong trường học, mọi học sinh phải tự suy nghĩ, tính toán về các quyết định liên quan đến cuộc sống của mình: Học thế nào, chơi môn gì, chi tiêu ra sao, kết bạn với ai.... tất cả đều phụ thuộc vào việc mình chấp nhận hay từ chối. Khi ấy, em biết ơn bố. Bố đã luôn dạy em rằng, “nói không cũng là một năng lực”. Chính điều đó khiến em biết tự cân bằng, biết điều chỉnh cho mình cảm thấy nhẹ nhõm.
Bố Đỗ Xuân Thảo và mẹ Phan Hồ Điệp. Cả hai cùng đang công tác tại trường ĐH Sư phạm Hà Nội. |
Không phải mọi điều lúc nào cũng dễ dàng. Không phải cứ học ở một trường tốt là mọi thứ sẽ “trải thảm”, có rất nhiều khó khăn thử thách đến với những du học sinh. Khi gặp khó khăn, em nhớ đến những câu thơ bố thường đọc cho em nghe: "Nhiều khi đá dạy ta mềm mỏng/ Sự tàn nhẫn nhắc ta điều lành/ Nỗi buồn đánh thức hy vọng. Chính nghịch cảnh là thầy dạy ta. Và em vững lòng vượt qua khó khăn".
Chưa bao giờ em đọc sách nhiều như thời điểm này. Mỗi ngày, trước khi đi ngủ, em tự đặt ra mục tiêu đọc 50 trang sách. Thư viện trường em với ba tầng sách cao chạm đến trần nhà nhưng em đã đọc hầu hết các cuốn sách trong đó vì có nhiều quyển em đã đọc từ trước. Em còn mua sách trên Amazon hàng tuần. Có lẽ vì thế mà các bài thi viết luận, thầy cô luôn dành cho em những lời khen nhiệt thành. Khi ấy, em nhớ đến dáng ngồi của bố bên ngọn đèn đọc sách hàng đêm. Và em cũng biết ơn.
Trường học là nơi mọi người được nói lên ý kiến của mình. Tất cả đều được tôn trọng. Không ai tự khoác cho mình cái áo của sự ngạo mạn. Trong tranh luận, tất cả ngang bằng nhau. Và em thấy thật hạnh phúc với không khí đó. Và em cũng thật biết ơn bố. Bố luôn nói rằng, tự tin đi con, đừng như bố, mỗi khi phát biểu lại toát cả mồ hôi tay, bố thấy thiệt thòi. Em cố gắng để làm được những điều bố mong muốn.
Cứ thế, một ngôi trường em yêu thích bởi trước hết, nó giúp em, bằng một cách rất hữu hình, nhớ và biết ơn bố của mình.
Mẹ ơi, khi đọc đến đây, mẹ có tự hỏi vì sao em không nhắc đến mẹ không? Vì đơn giản, em dành cho bẹ một vị trí vô cùng đặc biệt. Và đơn giản hơn nữa, mẹ chính là người “làm nên” hai người đàn ông trong gia đình.
Bằng sự nhẫn nại, dịu dàng, mẹ đã mang bố về với gia đình. Để bố, mỗi khi đi làm về, chỉ mong muốn ngay lập tức trở về nhà. Bằng sự hiểu biết, bao dung, mẹ đã dạy em về sự biết ơn. Như thấy bình minh là vui vì ngày mới bắt đầu. Thấy hoàng hôn là biết yêu ngày đã qua. Mẹ luôn cạnh em trong từng ngày, từng ngày dù em xa hay em gần để truyền cảm hứng, để em không chấp nhận sự “tạm được”, “tạm ổn” khi mà em có thể “phát triển” một cách “say mê, nhân hậu, hài hước và phong cách” như nhân vật trong câu chuyện mẹ và em đã từng đọc. Em luôn ghi nhớ những điều đó.
Mẹ ơi, ở Việt Nam, chắc giờ này mọi người đang náo nức đón Tết. Tết là chặng nghỉ cho mọi người ngoái lại và đi tới. Em ngoái lại bằng lòng biết ơn. Và em đi tới bằng nhịp điệu của tình yêu, đầy ắp trong trái tim. Vậy nên, bố mẹ an lòng. Bố mẹ nhé!".
Rất nhiều độc giả ngưỡng mộ, xúc động vì tình cảm của cậu bé Nhật Nam dành cho ba mẹ. |
Theo ngoisao
Thứ hai, 16/09/2024 15:30
37 lượt xem