Một nghệ sĩ đã kỳ công sử dụng những tấm bản đồ về không gian vũ trụ và những bức ảnh chụp từ vệ tinh để tạo nên một bức hình nghệ thuật đáng kinh ngạc. Anh là Pablo Carlos Budassi, đến từ Argentina. Pablo đã thực hiện một bức ảnh ghép chụp lại toàn bộ “diện mạo” vũ trụ bao la của chúng ta.
Bức ảnh này chứa đựng tất cả những gì tồn tại trong vũ trụ từ Mặt Trời cho tới những chòm sao, những thể plasma còn lại sau hàng tỉ năm xảy ra vụ nổ Big Bang… Bức ảnh cho phép người xem được chiêm ngưỡng toàn bộ vũ trụ trong một bức ảnh duy nhất được tính toán tỉ lệ rất phức tạp.
Bức ảnh được thực hiện dựa trên những tấm bản đồ về không gian vũ trụ và những bức ảnh chụp ngoài không gian của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ - NASA, được thực hiện bằng kính thiên văn hoặc chụp từ vệ tinh.
Nằm ở điểm chính giữa của bức ảnh là Mặt Trời, sau đó là các hành tinh được xếp đặt theo thứ tự trong Hệ Mặt Trời. Pablo Carlos Budassi đã sử dụng các bức ảnh chụp vũ trụ của NASA, ghép lại, để tạo thành một bức ảnh “nén” phản ánh toàn bộ diện mạo vũ trụ.
Vũ trụ của chúng ta được tạo ra từ khoảng 13,75 tỉ năm trước, kể từ đó, vũ trụ vẫn không ngừng mở rộng với một tốc độ nhanh chóng.
Các nhà khoa học tin rằng lượng tử ánh sáng photon lâu đời nhất mà họ từng nghiên cứu đã du hành từ 45-47 tỉ năm ánh sáng kể từ khi bắt đầu hình thành vũ trụ của chúng ta sau vụ nổ Big Bang. Vũ trụ của chúng ta có độ rộng vào khoảng 93 tỉ năm ánh sáng.
Các nhà khoa học từng đưa ra những manh mối cho thấy rằng ở những điểm xa nhất trong vũ trụ của chúng ta, dường như đang xuất hiện những dấu hiệu của sự gián đoạn gây ra bởi sự tiếp xúc với một vũ trụ khác. Những phân tích đã đưa ra một giả thuyết rằng có thể tồn tại một siêu vũ trụ trong đó bao gồm nhiều vũ trụ cùng tồn tại.
Theo dantri
Thứ hai, 07/10/2024 16:09
86 lượt xem
Thứ hai, 07/10/2024 16:09
71 lượt xem