Bên cạnh Việt Nam thì Trung Quốc, Hàn Quốc, Bhutan... cũng đang náo nức chuẩn bị đón Tết với nhiều phong tục thú vị.
Tết cổ truyền ở Trung Quốc là những ngày lễ quan trọng nhất trong năm. Vào những ngày năm mới, người dân Trung Quốc thường trang trí nhà bằng cách treo những câu đối đỏ, đèn lồng đỏ dán giấy đỏ và đốt pháo để mong muốn có một cái Tết vui vẻ, một năm mới an lành. Người ta viết lên giấy đỏ những lời cầu chúc rồi dán lên cửa, cắt giấy hoa văn thể hiện niềm hy vọng, rồi dán lên cửa sổ, làm một thứ "bánh gói" - ngụ ý gói những điều chúc phúc ở trong đó. Trước ngày Tết, người Trung Quốc cũng làm vệ sinh nhà cửa để “xả xui”.
Người Trung Quốc thường trang trí trong nhà những vật dụng màu đỏ trong ngày Tết.
Thực đơn ngày Tết của người Trung Quốc đa phần là các loại bánh. Trong đó đáng chú ý có bánh tổ (Nian Gao) được làm từ gạo nếp loại tốt, cùng với đường và một chút gừng tươi. Theo tiếng Trung, “Gao” là bánh, “Nian” là chất dính, nghĩa là bánh nếp, bánh dính, mọi người dùng món bánh này với mong ước các thành viên trong gia đình lúc nào cũng luôn kết dính, gắn bó với nhau bền vững.
Ngoài ra, phong tục trao phong bì đỏ tiền lì xì vẫn được duy trì. Hầu hết trẻ em đang đi học đều nhận được tiền lì xì vào những ngày đầu năm mới.
Bao lì xì đỏ tượng trưng cho sự may mắn
Hong Kong
Ngày tết tại Hong Kong khá nhộn nhịp và vui vẻ với 3 lễ hội đặc trưng cho văn hóa nước này, đó là lễ hội hoa chào năm mới, lễ hội pháo hoa và lễ hội đua ngựa đầu xuân. Lễ hội hoa thường được tổ chức từ khoảng ngày 25 đến 30 Tết. Tại đây có rất nhiều loài hoa được bày bán với những ý nghĩa tượng trưng khác nhau.
Một hình ảnh trong đêm lễ hội ngày tết tại Hong Kong.
Lễ hội pháo hoa rực rỡ sắc màu sẽ diễn ra tại cảng Victoria giữa khu Wan Chai và khu Tsim Sha Tsui trong những ngày đầu tiên của năm mới. Lễ hội đua ngựa đầu xuân: theo tín ngưỡng của người Hồng Kông, sự may mắn và hạnh phúc sẽ đến với bạn nếu bạn đến xem và đặt cược cho con ngựa yêu thích của mình trong lễ hội này.
Mông Cổ
Tết âm lịch tại Mông Cổ được gọi là Tsagaan Sar, kéo dài từ mùng 1 đến mùng 3 âm lịch. Trước giao thừa, một nghi lễ vô cùng quan trọng được diễn ra khi tất cả nam giới phải lên một ngọn đồi hay núi gần đó để cầu nguyện. Sau khi cầu nguyện, mỗi người chọn một hướng đi mà theo tử vi là hợp với họ để xuất hành.
Một góc bàn ăn trong ngày tết tại Mông Cổ.
Việc xuất hành đầu năm nếu đúng hướng sẽ mang lại may mắn cho mọi người. Trong những ngày đầu năm, người Mông Cổ còn dùng sữa ngựa để rửa sạch bát đũa trong nhà. Ngoài ra còn có tục lệ uống trà và ăn những món ăn từ sữa ngựa. Đây được coi là hành động tẩy sạch những tội lỗi từ năm trước.
Hàn Quốc
Tết Nguyên đán theo tiếng Hàn gọi là Seollah hay Won Dan. Vào dịp này, những ai ở xa gia đình đều thu xếp công việc để trở về quê nhà thăm gia đình, họ hàng. Trong đêm giao thừa, người ta sẽ đốt các thanh tre trong nhà vì vì tục truyền tiếng nổ của các thanh tre sẽ làm cho ma quỷ khiếp sợ bỏ chạy. Người dân Hàn Quốc thường không ngủ trong đêm giao thừa bởi theo truyền thuyết, nếu ngủ thì đến khi thức dậy sẽ bị bạc trắng cả lông mi và đầu óc kém minh mẫn.
Phụ nữ tại Hàn Quốc đều mặc Hanbok trong những ngày đặc biệt trong năm
Ngày mùng Một Tết, mọi người đều mặc hanbok (trang phục truyền thống Hàn Quốc) và tiến hành nghi lễ cúng bái tổ tiên vào buổi sáng. Nghi lễ này gọi là Chesa, do trưởng nam trong nhà đứng ra thực hiện. Đồ cúng, rượu gạo được bày trên mặt bàn giữa nhà, trên đó cũng đặt các bài vị tổ tiên viết lên giấy sớ để đốt đi sau khi cúng. Sau khi chủ gia đình thắp hương, khấn mời tổ tiên, cả nhà sẽ cùng bái lạy làm lễ.
Trà Omija - một loại trà đặc biệt tại Hàn Quốc
Người Hàn Quốc cũng thường uống trà vào dịp Tết như trà thơm camip ướp lá cây hồng, trà saenggang ướp gừng, trà kyepicha ướp quế, trà insam trộn với sâm, đặc biệt nhất là trà omija chỉ có ở Hàn Quốc, có đủ cả năm vị ngọt, chua, mặn, cay và đắng.
Triều Tiên
Trước kia, người Triều Tiên đón Tết vào tháng 10 và tháng 11, gần đây mới chuyển dần sang mồng 1 tháng Giêng Âm lịch.
Đêm 30 Tết, các gia đình quét dọn trong nhà ngoài hiên, treo tranh Tết, làm cơm Tết. Sáng sớm ngày mồng 1, mọi người dậy sớm, chỉn chu quần áo đón Tết, quây quần bên người ông cao tuổi nhất trong nhà để tổ chức nghi lễ Cha-rye (lễ tạ ơn gia tiên); sau đó bề trên đáp lễ bằng việc mời cơm Tết.
Cả nhà sẽ cùng nhau dùng Ttok-kuk, món ăn được làm từ nước cơm, với bánh gạo và đậu xanh. Ttok-kuk có ý nghĩa là “tăng xuân”, người Triều Tiên tin rằng vào ngày đầu tiên của năm mới nếu dùng một bát Ttok-kuk thì họ sẽ được thêm một tuổi nữa bởi họ quan niệm khi họ thêm 1 tuổi là khi hết năm cũ chứ không phải sau ngày sinh nhật như những nơi khác.
Món ăn không thể thiếu trong dịp Tết của người Triều Tiên đó là món “cơm thuốc”. Để chế biến món này, người ta đem gạo nếp hấp qua, rồi trộn với mật ong, hạt dẻ, táo, nhân hạt tùng, mỡ, tương... rồi hấp chín. Người Triều Tiên từ xa xưa đã coi mật là thuốc nên đã gọi loại cơm này là cơm thuốc. Loại cơm này dùng để đãi khách và cúng tổ tiên. Người Triều Tiên quan niệm, ăn loại cơm này vào đầu năm mới thì cả năm sẽ được sống sung túc và ngọt ngào.
"Cơm thuốc" là món ăn không thể thiếu trong dịp Tết tại Triều Tiên.
Tết của người Triều Tiên kéo dài hàng tuần với nhiều phong tục truyền thống đặc sắc như dán hình động vật lên cửa để cầu may, mời thầy pháp saman đến cúng tế và xem bói, tổ chức đón trăng mọc.
Bhutan
Cũng giống như Tết cổ truyền ở Việt Nam, Tết Losar là một trong những ngày lễ quan trọng nhất của đất nước Bhutan và được tổ chức rất long trọng theo Âm lịch. Tết Losar diễn ra trong vòng 15 ngày và ba ngày đầu tiên của năm mới được xem là quan trọng nhất đối với người dân Bhutan.
Lễ hội trong dịp Tết tại Bhutan.
Vào ngày cuối cùng của năm cũ, các gia đình Bhutan đều tất bật dọn dẹp nhà cửa và dâng lên bàn thờ tổ tiên nhiều thực phẩm và hoa quả để tạ ơn thần linh và tổ tiên đã ban tặng cho họ cuộc sống ấm no trong năm cũ.