Sarah Marquis dành gần như toàn bộ cuộc đời đi khám phá thế giới, sống sót qua nhiều thử thách như móng vuốt thú dữ, những kẻ buôn thuốc phiện, đói khát, bệnh tật...
Sarah Marquis, 44 tuổi, tới từ Thụy Sĩ vừa xuất bản cuốn sách thứ tư của mình, Wild By Nature, kể về chuyến phiêu lưu vòng quanh trái đất từ 2010 tới 2013. Trên đôi chân của mình, cô đã sống sót qua nhiều thử thách, từ những tên buôn thuốc phiện, sốt xuất huyết trong rừng sâu ở Lào cho tới các mối nguy hiểm từ động vật hoang dã, và cả chứng nấm da bởi rừng nhiệt đới.
Cô đã đi bộ từ Siberia ở cực Bắc tới bên kia thế giới sang sa mạc Gobi tới tận miền Nam nước Úc.
"Khối lượng công việc cho chuyến đi này vô cùng lớn. Tôi đã chuẩn bị trong hai năm để chắc chắn rằng mọi thứ diễn ra như dự định. Tôi phải thực hiện chuyến đi mang tính tinh thần lớn lao này, thứ mà tôi vô cùng coi trọng, và việc cốt yếu là xây dựng sức mạnh về tinh thần lẫn thể chất" Sarah chia sẻ.
Theo Sarah, trở nên gần gũi với thiên nhiên là cảm xúc vô cùng tuyệt vời.
"Ngay từ lúc bắt đầu bước đi, tôi buông bỏ. Hòa mình vào thiên nhiên là điều rất tuyệt vời, bạn sẽ quên đi mọi thứ và không quá quan tâm nếu kế hoạch không diễn ra như dự kiến. Điều này xảy ra rất thường xuyên. Nửa năm đầu tiên vô cùng khó khăn" Sarah nói.
Nhiều lần, cô từng bị những kẻ buôn thuốc phiện tấn công và bị lực lượng đặc nhiệm Trung Quốc bắt giữ. Khi qua Mông Cổ, ngoài việc bị vài nhóm nam giới quấy rối, cô còn mắc chứng sưng lợi. Kể từ sau đó, cô quyết định giả trang làm nam giới, cũng như cố gắng không để lại dấu vết để tránh rắc rối.
Trong 6 tháng đầu, giọng nói của người thân văng vẳng trong đầu, nhưng dần biến mất. Tới khi đó, cảm giác cô đơn dần biến mất và thiên nhiên trở thành người bầu bạn mới của Sarah.
Một trong những trải nghiệm đáng nhớ nhất là khi lều của cô bị 5 con sói bao vây.
"Chúng muốn báo rằng tôi đang xâm phạm lãnh thổ" cô cười.
Với Sarah, động lực để cô thực hiện chuyến đi là từ cảm hứng được truyền bởi mẹ. Mẹ cô từng nói, một phần con người luôn nằm ở đâu đó ngoài tự nhiên. Việc khám phá ngoài thỏa mãn trí tò mò về những điều chưa từng biết tới, còn là hành trình khám phá chính bản thân mình.
Ngoài ra, những chuyến đi còn giúp cô hiểu được giới hạn của con người.
Cụ thể hơn, Sarah sẽ thức dậy lúc bình minh, đi khoảng 30km và dừng chân khi mặt trời lặn. Nhưng tùy theo từng mùa mà thời gian ngày đêm cũng khác nhau.
Sa mạc tại Úc và sa mạc Gobi là những nơi cô thấy thích thú nhất. Ở Gobi, gấu trắng và báo đốm cùng sống chung. Đó là điều làm cô vô cùng ngạc nhiên.
Sau khi hoàn thành chuyến đi 20.000km, mọi thứ vẫn chưa hẳn kết thúc. Quá trình "tái hòa nhập" mất tới 3 tháng. Từ vòi nước cho tới quán cafe đầu phố đều trở nên lạ lẫm. Các giác quan của cô cũng nhạy hơn, và đó là "một cơn ác mộng".
Chưa kể, chỉ mất thêm vài ngày để Sarah lại cảm thấy sự thúc giục tiếp tục thám hiểm. Tuy nhiên, cô sẽ tìm một điểm đến đủ thôi thúc để có thể cống hiến trọn vẹn.
Là người không thể ngồi yên, Sarah tự nhận rằng không có năng lực viết lách, nhưng cô cảm thấy phải làm vậy để truyền cảm hứng và niềm vui đã có cho những người xung quanh.
Theo cô, hạnh phúc là những khoảng khắc, chứ không nằm ở những điều lớn lao.
Trước đây, Sarah từng viết 3 cuốn sách mô tả chi tiết chuyến đi của mình. Chuyến đi lần đầu tiên của tới New Zealand ở độ tuổi đôi mươi đã "đánh thức đam mê". Sau đó, cô sống một tháng trong Công viên Quốc gia Kahurangi mà không mang theo thực phẩm. Tiếp theo là du hành qua Công viên Algonquin tại Canada, dựng trại tại Patagonia, và leo núi Pacific Crest Trail tại Mỹ.
Vào năm 2000, cô đi bộ dọc biên giới Mỹ suốt 4 tháng, dành 17 tháng từ 2002-2003 xuyên qua Úc, với tổng cộng 14.000km đường bộ. Ngoài ra, cô cũng đi qua dãy Andes tại Nam Mỹ 8 tháng vào năm 2006.
Năm 2014, cô được trao giải "Nhà thám hiểm của năm" bởi National Geographic.
Theo Dân Việt