Gà vốn là thứ dễ tính, có thể solo nào luộc, hấp, gỏi, xé phay... hay kết hợp với phở, bún, miến, cháo, mỳ... và 'đỉnh' nhất có lẽ là với cơm.
Mỗi vùng miền, cơm gà được chế biến theo nhiều cách khác nhau, với gia vị cũng không giống nhau, để tạo nên những món ăn "ngon bá cháy".
Cơm đảo gà rang xứ Bắc
Lâu nay, người miền Bắc ăn gà theo kiểu chế biến thành một loại thực phẩm ăn kèm hoặc không kèm cơm, chứ không gắn thẳng vào cơm để thành một thứ cơm gà. Song, độ khoảng vài năm trở lại đây, ở Hà Nội xuất hiện loại cơm kèm gà: Cơm đảo gà rang.
Cơm đảo gà rang mới nổi ở Hà Nội. Ảnh: Hoàng Nhi |
Món ăn kết hợp thịt gà rang gừng với cơm trắng rang săn trong chảo to, lửa lớn, liên tục được đảo bằng vá để đảm bảo hạt cơm được tiếp xúc nhiệt đều. Cơm trắng rang săn vốn chẳng lạ với người Bắc, nhất là với những người thuộc thế hệ 7x, thường xuyên phải ăn sáng bằng cơm rang với tóp mỡ, nước mắm. Gà rang gừng cũng thế, thường được chế biến thành một món ăn "tuyệt cú mèo" mỗi khi trời trở lạnh. Kết hợp hai loại thực phẩm này với nhau, "cơm đảo gà rang" nghe khá lạ tai và ngon miệng.
Nơi khởi phát của món cơm đảo gà rang có thể kể đến khu ẩm thực Tống Duy Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội), sau đó lan khắp hang cùng ngõ hẻm ở khu phố cổ. Cơm được nấu từ loại gạo ngon như nấu cơm bình thường sao cho hạt khô và săn. Khi có khách, người phục vụ mới bật bếp gas, làm nóng chảo rồi đổ cơm vào đảo. Vá chạm chảo tạo thành những âm thanh loẻng xoẻng liên hồi nghe khá vui tai.
Tùy từng nơi mà người ta có cho thêm trứng gà vào tạo màu vàng hấp dẫn hay chỉ để hạt cơm trắng xém nâu. Khi cơm được đảo săn đều, tỏa mùi gạo, bốc khói nghi ngút, thì trút ra đĩa. Thịt gà được rang trong nồi to, luôn nóng hổi, thơm phức mùi gừng, lấp loáng những ánh mỡ gà, được múc ra tô nhỏ, đặt cạnh đĩa cơm. Chưa hết, phải thêm một đĩa dưa cải vàng, muối chua, giòn giòn cay cay nữa mới đủ bộ lệ.
Chỉ khoảng 15 phút từ lúc kêu món bạn sẽ được phục vụ một khay nào cơm, nào gà, nào dưa chua nghi ngút khói. Cái hạt cơm săn cực ăn ý với miếng gà rang mềm, béo ngậy, lẫn miếng gừng thái chỉ vừa nóng vừa thơm, đưa đẩy bằng gắp dưa chua. Cái nước gà ấy rưới lên cơm thì hợp vị hơn mọi loại nước sốt, nước chấm nào.
Ăn no căng, phí tổn mới chỉ ngang một bát phở, khoảng 40.000 đồng. Bạn có thể ăn ở rất nhiều nơi như khu Tống Duy Tân, Hàng Buồm, Mã Mây, Đào Duy Từ…
Cơm gà Quảng Nam
Cơm gà Bà Buội nổi tiếng ở Hội An. Ảnh: Tuấn Đào |
Quảng Nam chả có gì ngoài cơm gà. Gà ở đất Quảng Nam thịt thơm, ngọt mà lại không bở như “gà ta” tào lao trong siêu thị. Vì thế, cái xứ Quảng Nam “chưa mưa đã nắng” có tới hai loại cơm gà nổi tiếng gắp nơi: Hội An và Tam Kỳ. Hai trường phái này chắc thỉnh thoảng cũng "cãi nhau" xem cơm gà ai chính hiệu Quảng Nam, khi món ăn có sự khác biệt nằm ở hình thức thịt gà.
Cơm gà Hội An lấy gà ngon, làm sạch, luộc chín tới, không dai không mềm. Lọc gà thịt ra thịt, xương ra xương rồi lại đưa xương vào nồi ninh tiếp để lấy thêm chất ngọt, vị thơm. Gạo ngon của vụ trước hoặc trước nữa càng tốt đem ngâm nghệ cho vàng rồi trộn đều, vo sạch rồi cho vào nồi dước dùng gà, canh sao cho nước lấp xấp mặt gạo thì hạt cơm chín mới khô và săn. Chưa xong, phần mỡ gà cũng cho vào nốt, để rồi dưới tác động nhiệt, từng giọt mỡ mới ứa ra, thấm vào hạt cơm, đem thêm mùi thơm khó tả.
Cơm chín, đơm ra đĩa, tạo hình cho đẹp, đặng chụp ảnh đăng Facebook, lấy phần thịt gà đã tước mảnh kia ra, tùy theo khẩu vị mà đòi thịt trắng, thịt đùi hay nhiều da… phủ lên phần cơm. Có hai thứ rau thơm ăn kèm bất biến là rau răm và rau quế. Không có 2 thứ rau này, ăn cơm gà Quảng Nam cứ... sao sao.
Nếu ăn được cay thì nên cắn đôi vài quả ớt xanh cay cay, thơm thơm cho thêm dịch vị. Ăn cơm gà mà có thêm tiếng hít hà, xuýt xoa kể cũng thú, như uống rượu phải cụng ly. Có thể ăn kèm dưa món chua chua để đưa đẩy cho trơn lưỡi, bon miệng. Cơm gà Hội An tất nhiên ăn ở Hội An, tìm được quán bà Buội thì tốt không thì ăn ở một quán không tên nằm mé hông đình.
Một mâm cơm gà Tam Kỳ. Ảnh: Hồng Liên |
Với cơm gà Tam Kỳ, khâu chế biến cũng tương tự, gia vị nêm nếm cũng tương tự, chỉ khác là thịt gà không xé mà chặt thành từng miếng đùi, miếng lườn, miếng cánh. Cơm gà Tam Kỳ còn khác ở chỗ có thêm bát nước dùng gà nấu lá giang chua chua, dìu dịu và nhiều món ăn kèm như dưa món, dưa cải chua, cà chua xắt lát… làm cho đĩa cơm sinh động hơn.
Cơm gà xối mỡ và cơm gà Hải Nam Sài Gòn
Sài Gòn cái gì cũng có, nhất là món cơm gà. Nổi tiếng lâu đời là cơm gà Hải Nam của người Tàu vùng Hải Nam truyền sang Singapore, Malaysia, Indonesia và Sài Gòn và món cơm gà này nổi tiếng như cơm rang Dương Châu.
Truyền bá rộng rãi và phổ biến như thế, cho nên cơm gà Hải Nam có rất nhiều tông phái. Nhưng tựu chung, nét tiêu biểu của món ăn là thịt gà luộc chín tới, ăn kèm cơm nấu bằng chính nước luộc gà, hơi giống cơm gà Quảng Nam, nhưng giống về kiểu cách thôi, chứ bản chất rất khác nhau.
Cơm gà Hải Nam Sài Gòn. Ảnh: Amthucsaigon |
Gà ngon luộc chín tới, cùng muối hạt và gừng cắt lát. Trong lúc luộc gà, bắc chảo lên bếp, đun nóng, phi thơm đầu hành, tỏi xắt với dầu ăn cho vàng. Cho gạo và mỡ gà vào xào cho thật săn. Gà đã luộc xong, nhấc ra, rồi chắt nước dùng vào chảo cơm, canh sao cho nước lấp xấp mặt gạo và nấu chín.
Trong lúc đó, xối gà luộc dưới nước thật lạnh để phần da thì giòn, phần thịt thì mềm, ngọt mà không nát bở. Dùng dao sắc chặt gà thành những miếng vừa ăn, lành lặn, đủ cả da, thịt, xương rồi sắp ra đĩa. Bày thêm dưa leo, dưa món, cà chua cho thêm đẹp và vitamin lẫn chất xơ. Cơm chín, xới đổ khuôn ở góc đĩa sao bắt mắt.
Chưa xong, chảo đang nóng lập tức cho gừng và đầu hành băm nhỏ vào phi thơm, nêm 2 muỗng dầu hào, 2 muỗng xì dầu, chút đường, vài muỗng nước gà và bột bắp. Đun sôi, trút ra bát nhỏ làm nước sốt. Chỉ cần nếm miếng đầu tiên đã thấy khác cơm gà Quảng Nam. Mùi gừng trên thịt gà và nước sốt là thứ đặc trưng của người Tàu. Đó cũng chính là nét độc đáo cho cơm gà Hải Nam.
Sài Gòn còn cơm gà xối mỡ, thứ cơm gà nhiều nhan nhản giống như cơm đảo gà rang ngoài Hà Nội. Giống nhau cả cách rang cơm nữa. Cơm không nấu bằng nước dùng gà mà nấu bình thường, sau đó đem rang săn với thứ nguyên liệu gì đó tạo thành cơm màu cam, trông khá là lạ.
Còn gà được sơ chế bằng cách chặt tư, chặt tám như ở KFC, chiên sơ sơ. Khi khách kêu món, chủ quán liền gắp từng miếng gà to tướng cho vào dàn máy. Sau đó, mỡ nóng bắt đầu xối thành dòng xuống miếng gà như mưa, khiến cho lớp da gà vàng ruộm lên, giòn nhưng không đọng mỡ.
Cơm nén thành bát trên đĩa, bên cạnh là miếng gà xối vàng óng ả, ngoài giòn trong mềm ứa nước miếng. Tất nhiên, giống như những loại cơm gà khác, không thể thiếu món dưa món, dưa leo hay cà chua ngâm giấm. Thế thôi, mà ai cũng mê mẩn cơm gà xối mỡ.
Cơm gà vùng sơn cước
Cơm lam gà nướng nổi tiếng ở Pleiku. Ảnh: Phương Linh Nguyễn |
Nếu bạn đi chơi vùng Tây Bắc hay Cao nguyên, chắc chắn không thể bỏ qua món cơm lam - gà nướng đậm đà hương vị núi rừng. Cơm lam chế biến đơn giản, gạo nương ngon cho vào ống tre, tra hay không tra nước tùy theo lượng nước có sẵn trong thân tre, nút lại rồi vùi tro nóng hay dựng cạnh bếp lửa.
Gà làm sạch, ướp gia vị núi rừng như mắc khén, hạt dổi ở Tây Bắc hoặc mật ong, tiêu sọ, tỏi, vỏ cam xắt… ở Pleiku rồi xiên hoặc kẹp que tre tươi, rồi cũng dựng quanh lò than hồng rực. Khi gà chuyển màu nâu óng, thơm thơm, ngọt ngọt là bỏ ra mẹt lót lá chuối. Rồi cứ thế tay miền núi, tay miền xuôi thoải mái thò vào xé gà thành miếng, rồi chấm muối hạt giã mắc khén (Tây Bắc) hoặc muối hầm giã với hạt é, ớt xanh (Pleiku) và đưa vào miệng nhai thì chẳng có kiểu gà nào địch được.
Cái vị gà nướng mọi than hồng dù của người Thái ở Tây Bắc hay Jrai ở Pleiku ngon một cách khó tả. Mọi thứ đều nguyên sơ từ vị ngọt của thịt, mùi nồng của mắc khén hay hạt é, đến mùi than củi. Không gian núi rừng lại càng làm đượm vị, càng khiến những chén rượu hết cạn lại đầy.
Khi đã chín, những ống cơm lam tỏa mùi gạo nương thơm phức, len lỏi qua lót lá chuối bay ra. Cầm dao tước ống tre, thấy nắm cơm nằm mịn màng sau lớp lụa tre vô cùng hấp dẫn. Hạt cơm dẻo, trong trong, óng óng như trứng kiến, thơm như xôi, ngái ngái vị nước tre quyện với miếng gà nướng thật tột cùng. Có thể ăn cơm lam với nhiều thứ thịt nướng khác, nhưng chẳng có gì sánh bằng gà. Như thế mới là đặc sản khi đến với núi rừng.
theo ngoisao.net
Thứ hai, 16/09/2024 15:30
28 lượt xem