Bộ phim hoạt hình “Anomalisa” của Charlie Kaufman hẳn không dành cho trẻ em. Tác phẩm là câu chuyện về những tâm hồn cô đơn, lạc lõng khi không tìm thấy tiếng nói chung trong đời.
Tại Liên hoan phim Venice năm 2015, một trong những tác phẩm gây được tiếng vang lớn là bộ phim hoạt hình Anomalisa sau khi nó thắng giải đặc biệt của ban giám khảo.
Trong một năm mà dòng phim hoạt hình tiếp tục chứng kiến thành công thương mại vượt trội của xưởng Pixar với tác phẩm dành cho mọi lứa tuổi Inside Out, thì Anomalisa vẫn có được sức hút riêng với công chúng. Đơn giản bởi nó đến từ Charlie Kaufman, nhà biên kịch, đạo diễn độc đáo bậc nhất của nền điện ảnh nước Mỹ đương đại.
Anomalisa là một trong năm tác phẩm hoạt hình tranh giải Oscar năm nay. Phim do hai đạo diễn Charlie Kaufman - Duke Johnson thực hiện và có sự tham gia nhà sản xuất Rosa Tran người gốc Việt. Ảnh: Paramount |
Nhân vật chính của Anomalisa là Michael Stone (David Thewlis), một cây bút và diễn giả nổi tiếng về kỹ năng giao tiếp với khách hàng qua điện thoại. Đặt chân tới thành phố Cincinnati, Ohio, Mỹ vào một ngày mưa tầm tã để chuẩn bị cho buổi diễn thuyết giới thiệu sách ngày hôm sau, ông tới khách sạn trong tâm trạng đầy buồn bã, cô đơn.
Văng vẳng trong đầu tiếng nói trách móc của người bạn gái cũ Bella (Tom Noonan), Michael Stone tìm cách gọi điện cho những người thân thiết trong đời, để rồi ông chỉ càng cảm thấy đơn độc, lạc lõng khi không tìm thấy tiếng nói chung với tất cả, thậm chí là cả gia đình nhỏ của mình. Cơ hội khoả lấp nỗi cô đơn chỉ đến khi ông tình cờ gặp Lisa (Jennifer Jason Leigh), cô nhân viên tiếp thị rất hâm mộ Michael và cuốn sách dạy kỹ năng của ông.
Giống như các bộ phim trước, Charlie Kaufman tiếp tục khai thác chủ đề nỗi cô đơn với Anomalisa. Ảnh: Paramount |
Mang vẻ ngoài hết sức bình thường và cách nói chuyện còn có phần “quê mùa”, nhưng Lisa lại đem đến cho Michael một tâm hồn đồng điệu trong khác biệt. Anomalisa là câu chuyện diễn ra trong một đêm giữa Michael và Lisa, là lời đáp cho câu hỏi tại sao họ có thể tìm thấy nhau, và liệu họ có thể ở bên nhau để lấp đầy khoảng trống trong hai số phận lạc lõng.
Nối dài dòng cô đơn
Chính thức ra mắt tại Hollywood từ năm 1999 với Being John Malkovich, cho đến nay, Charlie Kaufman đã có tổng cộng bảy kịch bản được chuyển thể lên màn bạc.
Các bộ phim do ông chắp bút không hẳn là những tác phẩm thành công vang dội về mặt thương mại hay giải thưởng, nhưng tất cả đều là sản phẩm được giới phê bình đánh giá cao nhờ cấu trúc độc đáo, sự sáng tạo trong cách xây dựng nhân vật, và chất triết lý đậm đặc. Phong cách nghệ thuật riêng biệt và sức tưởng tượng tuyệt vời của Charlie Kaufman từng đem về cho ông một giải Oscar cho Kịch bản gốc xuất sắc với Eternal Sunshine of the Spotless Mind (2004).
Bộ phim nổi tiếng Eternal Sunshine of the Spotless Mind (2004) từng đem về cho cá nhân Charlie Kaufman tượng vàng Oscar tại hạng mục Kịch bản gốc xuất sắc. Ảnh: Focus |
Đó là tác phẩm tình cảm hài xuất sắc và cảm động về tình yêu đôi lứa, cũng như sợi dây tình cảm giữa người với người. Nhưng ở Eternal Sunshine of the Spotless Mind còn là câu chuyện về nỗi cô đơn, cũng như đem đến cho khán giả cái nhìn rất riêng, giàu chất triết học về cách thức ký ức được tạo ra và lưu giữ.
Năm 2008, Charlie Kaufman cho ra mắt bộ phim đầu tiên trên cương vị đạo diễn: Synecdoche, New York. Được nhà phê bình điện ảnh quá cố Roger Ebert rất hâm mộ, đây là một tác phẩm phức tạp, lạ lùng, có bối cảnh và cốt truyện nhiều lớp lang như một cô búp bê Matryoshka của Nga. Nhưng trên hết, bộ phim đặt ra câu hỏi về giá trị tồn tại của mỗi con người, về nỗi cô đơn và ý nghĩa thực sự của cuộc sống.
Tiếp tục mạch suy tưởng ấy của Synecdoche, New York, Anomalisa cũng là bộ phim xoay quanh một số phận cô đơn, lạc lõng, đang cố gắng tìm lại giá trị cuộc sống và những tâm hồn đồng điệu. Nhưng khác với phong cách đa tầng tới mức khó hiểu cách đây bảy năm, Charlie Kaufman lựa chọn cho Anomalisa không gian rất đỗi giản dị, với bối cảnh nhỏ gọn, tuyến nhân vật tinh giản, và cách kể chuyện bằng kỹ thuật hình ảnh stop-motion của thể loại hoạt hình.
Với những đại diện tiêu biểu như Wallace & Gromit: The Curse of the Were-Rabbit (2005) hay Frankenweenie (2012), các bộ phim hoạt hình sử dụng kỹ thuật stop-motion mang ưu điểm là vừa tạo điều kiện cho đạo diễn thỏa sức sáng tạo về mặt hình ảnh, vừa giúp bản thân tác phẩm mang được cảm giác gần gũi nhất định với thực tế.
Thật kỳ lạ khi một trong những cảnh nóng đáng nhớ nhất của điện ảnh 2015 lại đến từ bộ phim hoạt hình Anomalisa. Ảnh: Paramount |
Các ưu thế ấy nay được Charlie Kaufman và Duke Johnson tận dụng nhuần nhuyễn cho Anomalisa, với phần bối cảnh và tạo hình nhân vật được chăm chút kỹ lưỡng, tạo cho người xem cảm giác họ đang được xem một bộ phim người đóng.
Anomalisa thành công trên khía cạnh này tới mức bộ phim đã vượt qua tất cả các tác phẩm với diễn viên là người thật để thắng giải Mô tả cảnh tình cảm người lớn xuất sắc năm 2015 của Liên đoàn nhà báo điện ảnh nữ Hoa Kỳ (Alliance of Women Film Journalists). Và đó chính là cảnh làm tình giữa hai nhân vật Michael Stone và Lisa!
Những sáng tạo nghệ thuật mạo hiểm
Cá tính và chất sáng tạo của Charlie Kaufman trong Anomalisa còn được thể hiện qua việc ông chỉ sử dụng vỏn vẹn ba diễn viên để lồng tiếng cho toàn bộ các nhân vật trong phim. Được biết tới nhiều nhất qua vai Remus Lupin trong loạt Harry Potter, David Thewlis là lựa chọn thích hợp cho vai Michael Stone nhờ chất giọng ấm, vừa truyền cảm, vừa pha chút rụt rè của nam diễn viên.
Tuy Anomalisa có rất nhiều nhân vật, nhưng Charlie Kaufman chỉ sử dụng đúng ba diễn viên lồng tiếng cho toàn bộ tác phẩm. Ảnh: Paramount |
Lồng tiếng cho mảnh ghép tâm hồn của Michael, cô nàng Lisa, là Jennifer Jason Leigh - nữ diễn viên có một năm rất thành công với nhân vật Daisy Domergue trong The Hateful Eight. Trái ngược hoàn toàn với vai diễn đậm chất điên dại trong bộ phim Viễn Tây của Quentin Tarantino, Lisa qua giọng nói của Jennifer Jason Leigh hiện lên như bản sao nữ của Michael Stone, với sự lưỡng lự, ngập ngừng của một mảnh đời cô độc.
Sự tương đồng đến kỳ lạ về tính cách, về suy nghĩ giữa Michael và Lisa bất chấp xuất thân và địa vị xã hội khác biệt của cả hai, đã xóa nhoà đi ranh giới giữa thực tại và mộng ảo trong Anomalisa. Người xem đôi lúc phải phân vân rằng liệu Lisa có thực sự giống như hình ảnh của cô trong con mắt của Michael hay không.
Màn sương mờ ảo ấy của Anomalisa càng trở nên đậm đặc hơn khi Charlie Kaufman chỉ sử dụng nam diễn viên Tom Noonan để lồng tiếng cho toàn bộ tuyến nhân vật phụ, những con rối vốn đã có phần tạo hình gương mặt tương đối giống nhau. Từ chỗ ngạc nhiên khi thấy nhân vật nữ trong phim được lồng tiếng bởi chất giọng đàn ông đặc sệt, khán giả dần trở nên đồng cảm với sự cô đơn của Michael và Lisa.
Bởi với họ, gương mặt của tất cả người thân, bạn bè, đồng nghiệp… dần dần biến thành một khối đồng nhất nhạt nhoà, xa lạ đến mức đáng sợ. Những lựa chọn nghệ thuật đầy mạo hiểm ấy của Charlie Kaufman đã giúp Anomalisa có được chỗ đứng riêng giữa các bộ phim lấy chủ đề về sự cô đơn.
Khi xem các bộ phim do Charlie Kaufman chắp bút, nhiều người xem có cảm giác rằng họ đang tham gia một trò chơi ghép hình, trong đó mỗi mảnh ghép là một câu chuyện, một lớp nghĩa khác nhau mà nhà biên kịch muốn đem tới. Xét trên khía cạnh ấy, có thể coi Anomalisa là bức tranh ghép tương đối hoàn chỉnh về chủ đề quen thuộc trong các bộ phim của Kaufman: nỗi cô đơn.
Toàn bộ Anomalisa là một bức tranh ghép về nỗi cô đơn, với rất nhiều lớp lang sâu sắc ẩn sâu phía bên dưới. Ảnh: Paramount |
Đó là bức tranh giản dị, dễ nhận được sự đồng cảm bởi những cảm xúc chân thực, gần gũi mà rất nhiều người xem hẳn từng trải qua trong đời. Nhưng nếu nhìn kỹ hơn vào các góc cạnh của bức tranh ấy, khán giả sẽ lại thấy rằng vẫn còn đó nhiều sắc thái ẩn giấu dưới mỗi mảnh ghép. Và đó chính là vẻ đẹp của Anomalisa, một bộ phim tưởng chừng giản đơn nhưng rất đỗi sâu sắc.
Tại Oscar 2016, phim tranh giải Phim hoạt hình xuất sắc cùng các tác phẩm Inside Out, Shaun the Sheep Movie, When Marnie Was There và Boy & the World.
theo zing
Thứ hai, 07/10/2024 16:09
44 lượt xem
Thứ hai, 07/10/2024 16:09
41 lượt xem