Nếu bạn là người có điều kiện, hãy thử một lần trải nghiệm một trong những món tráng miệng đắt giá nhất dưới đây.
Bánh Brownie Extreaordinaire (21 triệu đồng)
Người ta có thể thưởng thức món tráng miệng này ở Bờ Đông nước Mỹ, nếu thực khách sẵn sàng chi ra 1000 USD. Món Brownie Extraordinaire được bán ở Brule, một nhà hàng ở Tropicana Resort (thành phố New Jersey). Nhưng đây không phải một chiếc bánh brownie bình thường. Nó được làm từ socola đen, bọc với hạt dẻ và phục vụ kèm một viên kem. Cùng với món bánh, khách hàng sẽ được phục vụ một bình rượu cực kì hiếm và đắt giá có tên Quinta do Novel Nicional của Bồ Đào Nha. Rượu sẽ được đổ vào bình xịt pha lê vùng Saint Louis. Dù brownie không phải món tráng miệng sang trọng, thêm một ly rượu quý chắc chắn sẽ nâng giá trị của món ăn lên rất nhiều. Và nếu là người sẵn sàng chi tiền, khách hàng có thể bỏ ra 15 nghìn USD cho gói dịch vụ Valentine's Day ở Tropicana Resorts, bao gồm một phòng ở, bữa tối lãng mạn với món tráng miệng đắt giá này.
Bánh Sultan's Gold Cake (21 triệu đồng)
Món tráng miệng này được phục vụ tại khách sạn Ciragan Palace Kempinski ở Istanbul với giá 1000USD. Chiếc bánh được làm từ quả vả, lê và mơ được ngâm trong rượu Rum Jamaica trong hai năm. Sau đó, chiếc bánh được phủ hạt vani từ vùng Polynesia, caramel, nấm truffle đen và các lá vàng 24 carat. Người ta phải cần đến 72 giờ để hoàn thành chiếc bánh này. Khi phục vụ, chiếc bánh sẽ được đặt trong một chiếc hộp bạc với con dấu bằng vàng. Thường loại bánh này chỉ được làm theo yêu cầu, cho các đám cưới, lễ ăn mừng hoặc cho một vị tiểu vương (sultan) nào đó.
Bánh Macaroons Haute Couture (157 triệu đồng)
Bánh macaroon đơn giản là hai nửa bánh trứng được gắn liền bởi lớp kem bơ. Chúng phổ biến nhất ở Pháp và thực khách có thể tìm mua với giá rất phải chăng. Tuy nhiên, Pierre Herme, một đầu bếp Pháp, đã làm nên những chiếc Macaroon cực kì mới lạ và đắt giá. Mức giá 7414 USD chắc chắn sẽ làm rất nhiều người tránh xa món bánh đắt tiền này. Herme cho biết ông sử dụng hàng loạt nguyên liệu đắt tiền, từ đó làm tăng giá trị của những chiếc bánh. Khách hàng có thể chọn các nguyên liệu như dấm balsamic, fleur de sel, rượu vang đỏ, bơ lạc hay bất cứ thứ gì mình muốn để làm phần nhân bánh. Không phải chiếc bánh nào cũng đắt tiền, nhưng nếu chọn đúng nguyên liệu, thực khách có thể phải bỏ ra hơn 7000 USD cho món tráng miệng của mình.
Món Fortress Stilt Fisherman Indulgence (308 triệu đồng)
Trong ẩm thực, công đoạn trình bày là rất quan trọng, và đó là yếu tố chính làm nên món Fortress Stilt Fisherman Indulgence. Ở Sri Lanka, câu cá trên cọc đã trở thành nét văn hóa rất phổ biến trong hàng chục năm nay. Món tráng miệng này gợi nhắc tới truyền thống đó bằng việc khắc họa cảnh một người đang câu cá với những nguyên liệu ngon tuyệt như socola, trái cây và kem Ireland. Món ăn được phục vụ kèm với một miếng xoài và thạch lựu. Hình ảnh người câu cá ngồi trên cọc được làm từ socola. Ngay bên dưới là một viên lục ngọc aquamarine 80 carat được đặt rất cẩn thận. Nó nằm trên một miếng socola rất nhỏ để tái hiện hình ảnh cây cọc. Những người đặt món này sẽ được giữ lại viên ngọc, tuy nhiên tới nay vẫn chưa có ai dám bỏ tiền ra cho món ăn này. Món Fortress được phục vụ ở nhà hàng Wine3 Fisherman Stilt (Sri Lanka).
Bánh bạch kim (2.7 tỷ đồng)
Được chế tác bởi Nobue Ikara, một đầu bếp làm bánh người Nhật, chiếc bánh bạch kim có giá tới 130 nghìn USD và là giấc mơ của những người mê thứ kim loại đắt tiền này. Chiếc bánh được phủ lớp kem trắng và bao quanh bởi các trang sức bạch kim, bao gồm cả dây chuyền, mặt dây, hoa tai và các những sợi bạch kim có thể ăn được. Ikara chế tác chiếc bánh để dành tặng nhiều người phụ nữ, cũng như thuyết phục nữ giới mang trang sức bạch kim. Chiếc bánh được trưng bày bởi Platinum Guild International, một công ty đang tìm cách khuyến khích người tiêu dùng mua trang sức bạch kim. Bánh bạch kim vẫn chưa được bán và công ty này cũng không biết liệu họ có bán được nó hay không.
Dâu tây Arnaud (29.7 tỷ đồng)
Nếu tới với nhà hàng Arnaud ở khu người Pháp của New Orleans, thực khách sẽ được thấy một bát đựng dâu tây với kem và bạc hà phủ bên trên. Bát dâu tây này có giá tới 1,4 triệu USD là nhờ một viên kim cương hồng độc nhất nặng 4,7 carat, từng thuộc về Sir Ernest Cassel, cố vấn kinh tế của Hoàng gia Anh. Khách hàng sẽ được thưởng thức những trái dâu tây ngon tuyệt và sở hữu chiếc nhẫn rất đẹp, đồng thời được uống loại rượu từ bộ sưu tập rượu có giá 24.850USD và được phục vụ cả nhạc jazz sống.
Bánh hoa quả kim cương (35 tỷ đồng)
Một đầu bếp tại Tokyo đã quyết định làm chiếc bánh với mức giá khủng khiếp là 1,65 triệu USD. Sau đó, vị đầu bếp này đã mang chiếc bánh ra đấu giá tại triển lãm Diamonds: Nature's Miracle. Phải mất 6 tháng để ông thiết kế chiếc bánh, sau đó là một tháng để hoàn thành và sẵn sàng bán cho các thực khách giàu có. Bên ngoài chiếc bánh là 223 viên kim cương nhỏ. Trừ những viên kim cương này, toàn bộ chiếc bánh đều có thể ăn được.
Theo dantri