Thời điểm 2014, một mình 365 Daband của Ngô Thanh Vân độc chiếm thị trường âm nhạc Vpop trong khi đó các nhóm nhạc như Tam Hổ, FB.Boiz… đang bất đầu nổi lên. Sau cuộc thi The X Factor – Nhân tố bí ẩn mùa đầu tiên, làn sóng các ban/nhóm nhạc trở lại Vpop mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Từ những nhóm nhạc vừa mới thành lập lúc đó như Ayo, F-Band, It’s Time hay những nhóm nhạc hoạt động trước đó như OPlus đều có bệ phóng tốt để tỏa sáng.
Tuy nhiên sau gần 2 năm, tình hình ban nhóm tại Vpop vẫn không có những khởi sắc so với trước đó. Zing.vn đã có cuộc trò chuyện với nhóm nhạc OPlus – Á quân của cuộc thi Nhân tố bí ẩn xung quanh vấn đề này.
Nhóm nhạc OPlus. |
- Vừa ra mắt single Wish, OPlus có điều ước gì cho mình trong năm 2016?
- Bạn đã chạm đến điều mà chúng tôi muốn nói khi ra mắt đĩa đơn Wish vào đầu năm nay. Chúng tôi nghĩ, khán giả thường chú ý đến nội dung ca khúc mà quên đi ý nghĩa của cái tên ca khúc này. Wish cũng chính là điều ước mà OPlus muốn gửi gắm tới tình yêu và tất cả những người đang yêu. Đối với riêng OPlus, chúng tôi mong muốn hơn nữa việc thành công với mô hình nhóm nhạc.
- Sau The X Factor, khán giả hy vọng sẽ thấy thời kỳ nhóm nhạc đổ bộ trở lại trên sân khấu ca nhạc nhưng điều này đã không xảy ra. Theo các anh, lý do gì dẫn đến điều này?
- Có thể bạn nhìn thấy các nhóm nhạc khá im lìm trên các phương tiện báo chí nên có nhận định như vậy. OPlus có giao lưu với những band nhóm nhạc và biết các bạn vẫn đang hoạt động bền bỉ và có thị trường riêng, dù chưa thể gọi là nổi tiếng. Thị hiếu của khán giả dành cho mô hình nhóm nhạc là rất lớn nhưng vì nhiều lý do mà ở trong nước ta hiện tại, mô hình này khó hoạt động và bùng nổ.
Đầu tiên là từ phía chủ quan của các nhóm nhạc. Việc hoạt động nhóm, nếu không phải là trong quan hệ hợp đồng, được đào tạo, hoạt động và ràng buộc một cách thực sự chuyên nghiệp với công ty quản lý thì đòi hỏi các thành viên phải gắn bó với nhau thân thiết. Chính điều này đã phần nào cản trở các nhóm nhạc phát triển và bùng nổ.
Các yếu tố khách quan, theo chúng tôi là đến từ thị trường như việc nhiều đơn vị tổ chức sự kiện không sẵn sàng bỏ nhiều chi phí để thuê cho nhóm nhạc biểu diễn (các chi phí đều bị gia tăng do số lượng thành viên). Bên cạnh đó, chất lượng thưởng thức âm nhạc của khán giả trong nước cũng chưa thực sự cao, điều này khiến cho nghệ sỹ trăn trở về việc đầu tư công sức vất vả nhưng lại không được nhìn nhận và gặt hái được thành công nên họ thường chọn con đường dễ hơn để đi. Các công ty quản lý cũng nghĩ đến những mạo hiểm đó mà không đầu tư vào mô hình này.
- OPlus không có công ty quản lý đứng sau hỗ trợ, vậy các anh xoay sở như thế nào?
- Chúng tôi tự thân vận động nên thỉnh thoảng vẫn tự đùa với nhau rằng mình cũng là “của hiếm” vì tồn tại được lâu dài đến ngày hôm nay. Nói vậy thôi, 5 năm thành lập nhóm và gần chục năm thân thiết như anh em ruột thịt của 4 chúng tôi đủ để giúp chúng tôi gắn bó bên nhau trong hoạt động âm nhạc, nhưng là chưa đủ để vươn tới đỉnh cao thực sự. OPlus vẫn đang nhắm đến việc có cho mình một công ty quản lý để hoạt động chuyên nghiệp hơn.
OPlus cho rằng so sánh mô hình ban nhóm giữa Vpop và Kpop là khập khiễng. |
- Khó khăn trong việc đi hát như vậy, cát-xê mà Oplus có được?
- Đối với mỗi loại hình, tính chất, địa điểm sự kiện, OPlus có một mức cát-xê riêng. Để có được mức cát-xê ổn định như hiện tại cũng là một quá trình hoạt động, trau dồi và rút kinh nghiệm rất miệt mài của nhóm. Thu nhập của mỗi thành viên trong OPlus sau khi trừ các chi phí đầu tư ngược lại cho hoạt động nhóm. Tuy nhiên, thu nhập bao nhiêu ở thời điểm này không quan trọng bằng việc bạn duy trì hoặc phát triển được nó trong bao lâu. Điều quan trọng nhất vẫn là kiếm được thu nhập từ đam mê của mình và càng đam mê, càng lao động nhiều, lại càng có thêm thu nhập.
- Nhìn sang thị trường âm nhạc Hàn Quốc, band nhóm là mô hình cực thịnh tại thị trường này. Theo OPlus, lý do gì Kpop phát triển như vậy nhưng Vpop không làm được?
- Ngoài những lý do đã nói ở trên, phải khẳng định lại, một nhóm được hình thành một cách hoàn hảo không phải là ngẫu nhiên. Nó là kết quả một quá trình chọn lọc, đào thải gắt gao, đào tạo và tập luyện hàng năm trời để có được cơ hội thành công. Môi trường âm nhạc tại Việt Nam hiện nay không thể so sánh với Hàn Quốc, bởi vậy, so sánh này là rất khập khiễng.
- Theo OPlus, trong tương lai gần liệu có nhiều thuận lợi để nhóm nhạc phát triển tại Việt Nam?
- Chắc chắn thời kỳ ấy sẽ đến. Rất nhiều người hoạt động trong thị trường âm nhạc có tâm với nghề và đang cố gắng nâng tầm âm nhạc nước nhà. Ở thời điểm hiện tại, là người đi tiên phong trong trào lưu trở lại của các nhóm nhạc, OPlus luôn tự nhủ phải tự mình tìm cách vươn lên trong thị trường. Mô hình hoạt động mà nhóm đang hướng đến cũng không thể vắng mặt công ty quản lý và nhóm đang xúc tiến để sớm ký kết hợp đồng với một công ty quản lý phù hợp.
- Các sản phẩm âm nhạc luôn là điều đầu tiên thu hút khán giả. Tuy nhiên Oplus có vẻ ra mắt khá ít các sản phẩm âm nhạc?
- Với một nhóm nhạc mới và hoạt động hoàn toàn tự thân như OPlus, việc có cho mình được 3 MV, gần chục ca khúc mới, xuất hiện trên các chương trình truyền hình là những thành công vượt xa khỏi mong đợi của nhóm trong năm 2015. Năm 2016 này OPlus sẽ tiếp tục cải thiện năng suất làm việc cũng như chú trọng hơn vào truyền thông để nhóm có thể đến gần hơn với khán giả. Nếu bạn nghĩ đó là ít, tôi nghĩ lỗi ở khâu truyền thông, quảng bá.
OPlus cho rằng có nhiều thuận lợi và khó khăn để mô hình nhóm nhạc phát triển tại Việt Nam. |
- Thời gian tới các anh có dự án âm nhạc nào gửi dến khán giả?
- Chúng tôi đang lên kế hoạch để ra mắt một loạt sản phẩm trong thời gian tới. Năm 2015 là một năm bận rộn và thành công trên nhiều mặt với nhóm, tuy nhiên xét trên khía cạnh dự án âm nhạc thì nhóm chưa hài lòng bởi lỗi hẹn album mới với khán giả của mình. Vì nhiều lý do, album này đến nay mới đang được hoàn thành đến những bước cuối cùng và sẽ sớm ra mắt. Ngoài ra, vốn bài mới hiện tại của nhóm khá nhiều, và cũng có một số dự án còn đang thai nghén, nhóm muốn hợp tác với một số nhạc sỹ tên tuổi của Việt Nam.