Nữ ca sĩ Ánh Tuyết. |
“Hãy yêu thương thật nhiều, đừng căm ghét ai. Vì cuộc đời chỉ có một, sống để cho đi và sẽ nhận lại sự chân thành. Hãy khoan dung để được yêu thương và hạnh phúc” - Ánh Tuyết cười giòn tan, nụ cười tự tin, thanh thản khi chia sẻ câu chuyện buồn vui đời mình.
Những ngày cuối năm gặp lại chị, ấn tượng nhất vẫn là nụ cười, có khi cười đến tít mắt, quên đất trời. Chị nói tiếp về câu chuyện tình người, lòng khoan dung đem đến cho chị những thành công trong âm nhạc, trong các mối quan hệ xã hội và sự bình yên trong cuộc sống gia đình.
Khoan dung để giúp mình, giúp người
- Gặp Ánh Tuyết là không thể buồn được, vì lúc nào cũng thấy chị rạng rỡ?
- Ai nói chuyện với tôi cũng phải vui hết, tôi ít khi nào nói chuyện buồn. Đời sống được bao lâu mà không vui vẻ, sống hết mình và yêu thương hết mình.
- Trong quá khứ, chị thấy có chuyện buồn nào mình không muốn nhớ nhất?
- Có lẽ trải qua nhiều sóng gió người ta càng trân trọng hơn ngày bình yên. Tôi cũng có một tuổi thơ như bao đứa trẻ ở miền quê khác. Từng trải qua không biết bao nhiêu trận bão lũ ở nơi miền Trung nắng gió. Rồi làm nghệ thuật, được công chúng yêu mến. Rồi có những lúc tuyệt vọng, vì đời không như mong muốn.
Tôi vẫn nhớ cách đối xử “vắt chanh bỏ vỏ” của một ông đoàn trưởng khi bất ngờ gạch bỏ tiết mục của tôi vì muốn lăng - xê một ca sĩ trẻ đẹp. Hay những đêm phải diện áo dài, mang guốc cao gót lội bộ năm, bảy cây số đến tụ điểm ca nhạc ngồi chờ, chờ hết buổi rồi bẽ bàng đi về vì không được hát. Tôi lặng lẽ bước đi và biết phía sau có nụ cười hả hê của những kẻ hẹp dạ ganh ghét đang hướng theo mình.
Hay ngày mới kết hôn, cả gia đình chồng cùng bạn bè gom lại tặng được khoảng 5 ngàn USD. Để tiết kiệm có tiền nuôi con, vợ chồng tôi thuê căn phòng nhỏ trên đường Võ Thị Sáu, Q.3, TP HCM. Nhưng không biết thế nào, khi một người bạn gái ghé thăm khóc lóc kể chuyện thiếu trước hụt sau của mình và hỏi mượn tiền, mủi lòng và sẵn có tính thương người, tôi đã đưa toàn bộ số tiền có được cho bạn mượn. Rồi về sau, tiền chẳng những không đòi được, mà bạn cũng đi luôn.
Cũng năm đầu trong hôn nhân tôi bị mất hai chiếc xe gắn máy. Tôi nhớ mình đã chạy ra khuôn viên 81 Trần Quốc Thảo ngồi khóc, bởi sợ hãi trước những bất an trong cuộc sống.
- Chị đã vượt qua giai đoạn đó thế nào?
- Cuộc đời nghệ sĩ luôn có những nỗi buồn rất riêng. Nghề làm dâu trăm họ, nhưng ở vào thời buổi công nghệ, người ta càng dễ làm tổn thương nhau. Bằng tiếng hát, bằng nghị lực và sức chịu đựng, tôi đã vượt qua dông gió. Tôi nhớ có lần, vì áp lực quá định bỏ nghề hát. Chạy ra một góc yên tĩnh để khóc một mình. Tôi gặp một bác bán bánh mì và nghe bác kể về cuộc đời chạy ăn từng bữa. Tôi nghĩ mình vẫn may mắn khi có được gói mì để ăn, đi hát 15 phút là có vài chục đồng, còn rất nhiều người khổ hơn mình. Nghĩ vậy lại thêm động lực cố gắng.
Nhưng suy cho cùng, cuộc sống nếu biết buông - bỏ, không sân si thì sẽ thanh thản vui sống. Xã hội này nếu ai cũng ganh ghét nhau, đố kỵ, gièm pha thì chỉ sinh ra hận thù. Nếu vậy thì tâm mình cũng không bao giờ thanh thản. Nghĩ được như vậy, tôi đã sống khoan dung hơn.
- Khoan dung là tha thứ hết những lỗi lầm của người khác?
- Không hẳn! Khoan dung là rộng lòng tha thứ, nhưng phải giúp người được tha thứ biết rõ cái sai để họ sửa chữa lỗi lầm, chứ không phải dung dưỡng, bao che cho cái xấu. Người có lòng khoan dung luôn có lòng tôn trọng và thông cảm với người khác. Tôi nghĩ đây là một phẩm chất cao quý của con người. Nếu ai có được điều này thì sẽ được mọi người yêu mến và cuộc sống cũng bình yên, hạnh phúc.
Âm nhạc giúp con người sống khoan dung
- Khi nào chị nhận ra sự khoan dung quan trọng với mình?
- Vào TP HCM năm 1983, tôi buộc phải bắt kịp và hòa hợp với một thành phố xa lạ, một nhịp sống mới là điều không dễ dàng. Lúc đó, tôi khó khăn vô cùng, phải bán 2 xấp vải định may áo dài biểu diễn để lấy tiền ăn qua ngày. Năm 1993, khi vợ chồng nhạc sĩ Văn Cao vào Nam tổ chức một đêm nhạc ở quán Nhạc sĩ, tôi được mời và hát Buồn tàn thu, Thiên thai. Khán giả vỗ tay vang khắp khán phòng và sáng hôm sau, tên tuổi tôi được ca ngợi trên các báo. Từ đó tên Ánh Tuyết gắn liền với nhạc Văn Cao. Đến giờ tôi vẫn gắn bó. Vì nhạc của ông có nỗi buồn da diết nhưng không có sự oán trách, thở than, bi lụy. Nó dạy cho tôi cách sống không than thân trách phận, sống mở lòng, khoan dung với mọi người.
- 20 năm cũng là một quãng đường để nhớ lại, cảm xúc hát nhạc Văn Cao của Ánh Tuyết hiện giờ khác gì với Ánh Tuyết của 20 năm trước?
- Sự nghiệp của tôi gắn với tên tuổi Văn Cao, hát nhạc của ông giúp tôi sống lạc quan và yêu thương mọi người. 20 năm trước tôi hát nhạc Văn Cao với một sự hồn nhiên, bằng những cảm xúc non nớt của tuổi trẻ. Còn hiện giờ khi trải qua những thăng trầm, tôi hiểu được nỗi đau của Văn Cao, hiểu được cuộc đời của ông gian truân thế nào, hiểu được cả một quá trình ông đi cũng như nỗi khổ cuộc đời mà ông trút vào tác phẩm. Tôi hát bằng sự trải nghiệm, bằng sự yêu thương khi nhận ra trong âm nhạc của ông không có sự oán trách.
“Giữ lửa” gia đình nhờ khoan dung
- Cuộc sống hiện tại của chị ra sao sau khi mở lòng khoan dung với mọi người?
- Tôi hài lòng với những gì mình có, dù không quá giàu sang. Phòng trà ATB không còn hoạt động, nhưng tôi nhận được nhiều show diễn bên ngoài, thu nhập tăng lên, công ty xây dựng của gia đình hoạt động vẫn ổn.
Tôi nhớ ngày mới lấy chồng, mọi người cứ nghĩ lấy chồng Tây là được sống giàu sang, nhưng tôi thì đã trải qua đủ thứ khổ cực. Rồi, đời người ăn nhau ở hậu vận, sau nhiều lần thất bại, máu đi buôn của tôi cũng mang lại không ít thành công. Tôi đã mua được một mảnh đất ở ngoại ô TPHCM và dời nhà từ quận trung tâm về đây để cả gia đình được quây quần bên nhau. Trong tình yêu và hạnh phúc, cứ muốn ổn là sẽ ổn thôi. Giờ tôi cũng có một gia đình hạnh phúc, con trai Toàn Henri Jarnie đang học ngành quản lý khách sạn tại Thụy Sĩ, chồng luôn hiểu và yêu thương vợ.
- Ánh Tuyết đã làm gì để giữ lửa cho cuộc sống hôn nhân, nhất là khi bất đồng về ngôn ngữ và văn hóa?
- Tôi lấy chồng khi đó không phải vì yêu, mà là vì thấy mình đã bước sang tuổi 35 và cũng cảm động bởi tấm chân tình của người đàn ông bỗng dưng “rơi” xuống trước mặt mình. Nghĩ lại, tôi vẫn thấy ngày đó mình liều khi ngoại ngữ một chữ bẻ đôi cũng không biết mà đã chấp nhận tìm hiểu người đàn ông ngoại quốc mới gặp.
Năm 1993, khi tới phòng trà Văn Nghệ trên đường Lam Sơn, Q. Bình Thạnh biểu diễn, tôi bỗng nhận được lời cầu hôn của người đàn ông xa lạ, chưa từng gặp mặt. Nghĩ anh “Tây” này đang định đùa với mình nên tôi cũng đùa lại, “Cưới vợ là phải cưới liền tay”. Lần này, Michel Jarnier quả quyết: “Vậy ngày mai cưới”. Trước vẻ nghiêm túc của anh, tôi không dám đùa thêm. Thế rồi sáng nào tôi cũng được nhận bó hoa tươi thắm trước cửa nhà, cùng những hành động vô cùng lãng mạn của Michel Jarnier. Quen biết nhau một thời gian, tôi quyết định tìm hiểu kỹ về lai lịch của anh và sau đó nhận lời làm vợ.
Cuộc sống ngày đầu có nhiều khó khăn, vì chẳng hiểu nhau nói gì. Nhưng nhờ tình yêu và lòng khoan dung mà cuộc sống trôi qua bình yên và hạnh phúc. Tôi là con gái miền Trung, tính chịu đựng ghê lắm, nhưng bản chất vốn dữ dội nên khi khùng lên thì thôi rồi. Hiểu tính cách đó, mỗi khi thấy tôi nóng giận chồng và con tôi liền nín thinh đợi tôi qua “cơn khùng”. Đấy cũng là “tuyệt chiêu” của sự yên ổn trong nhà. Tôi nghĩ trong mọi mối quan hệ, kể cả ngoài xã hội, hay trong gia đình, nên mở lòng mình đón nhận, đừng quá so đo thiệt hơn, như vậy lúc nào tâm cũng thanh thản và cuộc sống sẽ hạnh phúc.