Anh Líp, quốc tịch Hà Lan, đã thấy mến Lan Trinh ngay khi xem bức ảnh chụp cô mặc áo dài.
Chuyện tình của đôi trai gái cách xa chục nghìn cây số khởi duyên từ 3 năm về trước, khi ấy chị Phạm Thị Lan Trinh (35 tuổi) là nhân viên của một cửa hàng áo dài ở trung tâm TP HCM, còn Cliford Alexander Van Toor (38 tuổi) đang làm công nhân cơ khí tại Hà Lan.
Hình ảnh chàng Tây cao to và cô gái Việt nhỏ nhắn khiến nhiều người đi đường chú ý. Ảnh: Thiên Chương |
"Một ngày như mọi ngày, tôi đang mặc áo dài đứng đón khách thì có chàng trai ngoại quốc đến xin chụp ảnh cùng. Cũng trong lúc đó, anh khoe tấm ảnh tôi từng chụp cùng một khách du lịch ngoại quốc. Thì ra người đó chính là bạn của Cliford Alexander Van Toor, sau khi về nước, anh ta đã đưa tấm ảnh chụp cùng tôi cho Líp (tên Việt của Cliford Alexander Van Toor) và khuyên Líp nên thử đến Việt Nam một lần", chị Trinh kể.
Thoáng thẹn thùng khi nhắc về những ngày đầu mạnh dạn làm quen với người con gái ở cách xa vạn dặm, Líp cho biết: "Khi nhìn thấy tấm ảnh bạn tôi cho xem, tôi đã thấy có cảm tình với cô gái trong ảnh, chính vì thế tôi quyết định đến Sài Gòn để tìm. Vừa nhìn thấy cô nàng trong tà áo dài với gương mặt duyên dáng tôi đã thích ngay và quyết định phải tìm cách để làm quen".
Còn về phía Lan Trinh, trong những lần trò chuyện cùng nhau qua mạng, cô thấy anh là người lịch sự, hóm hỉnh và chân thành. "Không có kiểu chứng tỏ mình là người châu Âu, cũng không có kiểu 'chém gió cho vui' thường thấy của những chàng trai khác. Ngay từ lần đầu trò chuyện và những lần sau đó, Líp luôn chân thành kể cho tôi nghe về hoàn cảnh của mình, rằng mẹ anh mất do bị ung thư, cha đi thêm bước nữa nên anh chỉ ở với bà, rằng công việc của một công nhân cơ khí như anh rất chật vật... Linh cảm cho tôi thấy anh là người đàn ông tốt", Trinh nói.
Khoảng sau một năm tìm hiểu, càng nghe Líp tâm sự, Trinh càng cảm thấy thương mến. Còn Líp, anh quyết định trở lại Việt Nam để dạm hỏi và muốn cưới Trinh làm vợ. Anh cũng xin phép bà ngoại ở Hà Lan cho được chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai.
Sau đám cưới đơn sơ, chàng Tây nghèo tay trắng và cô gái Việt đưa nhau ra ngoài tìm phòng thuê để ở riêng, cũng từ đó những khó khăn tài chính bắt đầu lộ diện. Không biết tiếng Việt, nghề cơ khí ở trời Tây không dễ tìm được việc ở Sài Gòn, Líp đã có nhiều tháng "vò đầu bứt tóc" thấy mình vô dụng vì không giúp được vợ.
"May mắn lúc đó tôi tâm sự với một người bạn quốc tịch Đức và được anh ấy gợi ý bán xúc xích. Khi ấy, tôi nghĩ, bán xúc xích không có gì là quá tệ nhưng nghĩ mãi mới dám bàn với vợ. May mắn hơn, Trinh đã bằng lòng", Líp nói.
Líp cho biết anh cảm thấy hạnh phúc khi mỗi ngày được làm việc cạnh vợ. Ảnh: Thiên Chương |
Biết chồng không rành tiếng Việt, một thân một mình khó lòng bươn chải, Trinh nộp đơn xin nghỉ việc hiện tại để được đồng vợ đồng chồng. Những tháng đầu tiên công việc không như ý, cả hai đèo nhau trên xe máy chở "cửa hàng xúc xích di động" đi bán khắp nơi nhưng việc buôn bán hàng rong gặp nhiều khó khăn.
“Không có chỗ ổn định, khách hàng không nhiều, lại bị trật tự đô thị tịch thu đồ đạc do lấn chiếm vỉa hè, tôi nhiều lần khuyên anh ấy dừng công việc nhưng anh vẫn quyết tâm theo đuổi. May mắn sau đó chúng tôi được một người quen cho thuê mặt bằng ở quận 8”, Trinh tâm sự.
Bắt đầu có khách quen, quầy xúc xích Đức bán kèm bánh mì của chàng Tây cao to và cô vợ Việt thấp bé trên đường Dương Bá Trạc (quận 8) lúc nào cũng tấp nập người chờ mua. Mỗi sáng, sợ vợ vất vả, Líp thức dậy từ 4 giờ để chuẩn bị mọi thứ rồi mới đánh thức vợ dậy để cả hai cùng dọn hàng lúc 5h30. Ngày hai buổi, quầy bánh mì của Líp và Trinh phục vụ khách từ 6h đến 9h30 rồi mở lại lúc 15h đến 21h. Chồng đứng chiên xúc xích, vợ xẻ bánh mì, nhiều hôm khách đông, Líp mồ hôi nhễ nhại vẫn không kịp bán cho người mua, vợ chồng phải vận động cả người nhà cùng bán phụ.
“Mấy tháng nay thấy có khách đông anh ấy mừng lắm. Vất vả mấy Líp vẫn chưa hề than thở. Nhiều lúc đang làm thấy vợ bán liền tay, Líp còn quay qua hỏi thăm hoặc ngừng tay lấy khăn lau mồ hôi cho vợ. Hành động của anh khiến tôi cảm thấy mình là người vợ hạnh phúc”, người vợ nói.
Ngày tháng lo âu vì công việc đã dần trôi qua, mơ ước hiện tại của đôi vợ Việt chồng Tây là mọi thứ được ổn định. "Tôi yêu cô ấy và tôi yêu xứ sở này. Với tôi, cuộc sống dù vất vả nhưng vợ chồng cùng nhau yêu thương và đồng lòng thì dù khó khăn đến mấy cũng sẽ vượt qua", Líp nói.
Theo ngoisao.net