Đường về Buôn Ma Thuột - Ảnh: V.X.H. |
Bởi lẽ lâu nay Lê Vấn đã “đóng đinh” trong họ tranh lụa, sơn dầu chứ không phải là hoàn toàn màu nước theo bút pháp ấn tượng.
Riêng tôi không quá bất ngờ bởi thường trao đổi về quan niệm của L. Tolstoy mà chúng tôi tâm đắc: nghệ thuật không chỉ là hình thức mà nhiều lúc phải là sự biểu hiện, và nghệ sĩ phải có trách nhiệm với xã hội.
Lê Vấn từng viết: “Tây nguyên đương đại là sự thay đổi nhanh chóng đến kinh ngạc. Ngay cả cư dân bản địa Tây nguyên cũng ngỡ ngàng trước sự dời đổi của cảnh quan, non nước. Nếp sống hồn nhiên, thuần phác bị buộc phải dung nạp bao nhiêu thứ phức tạp, vốn hôm qua hư ảo trên màn ảnh truyền hình thì hôm nay đã lồ lộ trước cửa nhà rông, nhà dài.
Sự du nhập và dung nạp, đào thải những giá trị văn hóa diễn ra vừa lạnh lùng vừa sôi nổi, tưởng như hời hợt nhưng lại ráo riết. Sự du nhập và dung nạp, đào thải ấy đã tự nhiên hình thành những giá trị mới, cảm xúc mới, hình thức và thẩm mỹ mới...”, và rồi anh nhận lãnh sứ mạng lưu giữ ký ức địa phương - những hình ảnh cuộc sống đời thường của mảnh đất đã cưu mang và đưa anh thành danh.
Với hơn 80 bức tranh màu nước (35x50cm) anh vẽ trực tiếp hoặc gián tiếp từ những ký họa trong hai năm rong ruổi buôn gần bản xa, rồi chọn ra 50 tranh tâm đắc để triển lãm.
“Hồi ức Buôn Ma Thuột” không phải là chỗ để Lê Vấn thi triển những quan niệm tạo hình mới mẻ, bố cục phá cách, mà là nơi để anh trải lòng theo những con đường bụi bặm mùa khô bên cạnh những lán nhà tạm cất vội vã ven đường của những người du canh du cư, hay những cảnh sinh hoạt phố chợ tấp nập người Kinh và người dân tộc...
Gam màu đỏ âm nóng là âm hưởng chung của toàn bộ các bức tranh, gợi lên được chất Tây nguyên khi chúng ta liên tưởng đến màu đất badan màu mỡ, trù phú hay gam màu quen thuộc của vùng đất này về mùa khô.
Phố nhà gỗ 11 - Ảnh: V.X.H. |
Phố nhà gỗ 24 - Ảnh: V.X.H. |
Dù vẽ gì, tranh màu nước của Lê Vấn bộc lộ một tay nghề vững vàng, bút pháp khoáng hoạt, tung tẩy, thanh nhẹ ở những chỗ chừa sáng bằng nền giấy hoặc sáp trắng.
Người xem cảm nhận được sự tan chảy của những mảng màu bằng sự hòa trộn, chồng màu trực tiếp. Sự hiện diện, khiếm diện đan cài; cái rỗng, cái đầy xô đẩy tạo nên khí vận cho một bức tranh dù nhiều tranh cảm thấy buồn, im ắng.
“Trong sự phát triển của thành phố hôm nay, bên cạnh nhiều giá trị mới được hình thành là sự mất mát những giá trị cũ. Đáng tiếc, cả những giá trị rất bình dị, giàu tính nhân văn và độc đáo của cảnh quan thiên nhiên, kiến trúc của các dân tộc bản địa, của lưu dân về quần cư tại thành phố, những ngày chưa xa, nay đã thành hoài niệm. Thật tiếc là có nhiều ý tưởng ban đầu đã không hình thành nên tác phẩm bởi nhiều khoảnh khắc đã vụt qua, nhiều hình ảnh đã giã biệt chúng ta mãi mãi” - anh tâm sự.
Họa sĩ Lê Vấn - Ảnh: V.X.H. |
Xem tranh có cảm tưởng như anh sợ mình chậm chút thôi là hình ảnh sẽ vụt biến đi mất. Mà thật, rừng Tây nguyên hôm nay đã quá lùi xa, đến tận vùng biên. Nhiều vấn đề môi trường, di cư tự do, văn hóa đương đại đang thách thức dữ dội mảnh đất này nên “Hồi ức Buôn Ma Thuột” là hồi ức rưng rưng ngay trong thời hiện tại.
Tranh ấm nóng nhưng vẫn cảm được sự tê buốt bên trong.
Theo tuoitre