Áp lực công việc quá lớn khiến nhiều người Nhật Bản chọn cách tự tử để giải thoát cho bản thân.
Người Nhật Bản được cả thế giới tôn trọng. Họ là những người kiên cường, sống và cống hiến không biết mệt mỏi. Phần lớn văn hóa Nhật đều rất được ngưỡng mộ. Tuy nhiên, người dân nước này phải đánh đổi rất nhiều để đạt điều đó. Xã hội và chính bản thân họ luôn tự đặt áp lực lên mình. Đây là một trong những lý do khiến rất nhiều người Nhật Bản chọn cách tự tử khi không thể chịu áp lực. |
Nhiếp ảnh gia Shiho Fukada đã dành nhiều năm để chụp những người lao động ở Nhật Bản. Nhân vật của bà là những người làm thuê, nữ tiếp viên hay những người lao động lớn tuổi. Họ là những người phải chịu nhiều áp lực nhất ở đất nước mặt trời mọc. |
Những người làm thuê thường xuyên phải tăng ca và về nhà khi đã rất muộn. Làm việc quá sức là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng trầm cảm của người lao động Nhật Bản. |
Người lao động mệt mỏi trên một chuyến tàu đêm. Đây là đoàn tàu cuối cùng còn hoạt động. Họ về nhà khi đã rất muộn với một cơ thể mệt mỏi, rã rời. |
Emiko Teranishi, 61 tuổi, là phụ nữ góa chồng. Ông Akira, chồng bà, từng là quản lý một nhà hàng nhưng áp lực công việc quá lớn khiến ông chọn cách kết liễu cuộc đời bằng việc nhảy từ một tòa nhà cao tầng. Bà Teranishi đang là chủ tịch của nhóm hoạt động nhằm giúp đỡ những người chung hoàn cảnh với mình. |
Bà Hideko Shimamura, 48 tuổi, vẫn giữ lá thư điện tử cuối cùng mà chồng bà, ông Masayoshi gửi trước khi tự tử năm 2009. Trong cuộc gọi cuối cùng, ông Masayoshi nói với vợ: “Tôi đã uống 11 viên thuốc và đang đốt than trong phòng nhưng vẫn chưa thấy buồn ngủ”. Than cháy sẽ gây hiện tượng thiếu oxy, khiến người tự tử lịm dần và tử vong. |
Bà Setsuko Nanbu, 65 tuổi, bên cạnh những di vật của chồng. Năm 2004, chồng bà lao vào một đoàn tàu đang chạy để kết liễu cuộc sống với lá thư tuyệt mệnh trong túi. |
Một khách hàng bước vào quán cà phê dành cho người đọc sách ở Tokyo. Chúng là nơi nương náu của những người lao động với đồng lương rẻ mạt. |
Aya, 18 tuổi, sống trong một quán cà phê Internet. Mẹ cô thuê buồng bên cạnh để sống. |
Những người lớn tuổi ở Nhật cũng vẫn phải làm việc dù đã tới tuổi nghỉ hưu. Ông Tadayuki Saka nằm nghỉ trong buồng riêng tại một quán cà phê Internet sau một ngày làm việc tại công ty của người bạn. |
Những quán này là nơi ở của nhiều người không nhà tại Nhật Bản. Chúng tương tự một phòng trọ nhưng kích thước nhỏ hơn và tiền thuê cũng rẻ hơn. |
Julie, 31 tuổi, làm tiếp viên trong một nhà hàng ở Nhật Bản. Cô chịu trách nhiệm phục vụ và chiêu đãi sở thích của khách hàng, kể cả những lời tán tỉnh (ngoài tình dục và các việc làm phi pháp). Đây là nghề mà ngày càng nhiều cô gái trẻ chọn để mưu sinh. |
Mika, 24 tuổi, thường xuyên nói dối khách về tuổi thật của mình vì sợ họ nghĩ cô đã quá già. Bất chấp Luật cơ hội việc làm bình đẳng, phụ nữ Nhật vẫn phải làm những công việc tạm thời, lương thấp và không có tương lai. |
Ku, 24 tuổi, đang nói chuyện với khách hàng trong một quán bar. Phụ nữ Nhật Bản có thể làm tiếp viên khi họ trẻ nhưng công việc này không thể đảm bảo cho họ một tương lai bền vững khi có tuổi. |
Aya, 22 tuổi, đang là một tiếp viên. Cô muốn bỏ nghề này từ lâu nhưng không thể. “Tôi muốn bỏ việc và thử tìm một công việc khác nhưng lại sợ chẳng tìm được gì. Tôi không học hành nhiều và cũng chẳng có kinh nghiệm gì ngoài công việc tiếp viên”, Aya chia sẻ. |
Không ít cô gái trẻ Nhật Bản chọn làm việc trong ngành công nghiệp khiêu dâm. Những quán bar và câu lạc bộ dành cho nhu cầu giải trí của các quý ông nằm san sát trên Kabukicho, khu phố đèn đỏ nổi tiếng nhất ở thủ đô Tokyo. |
Theo zing
Thứ hai, 16/09/2024 15:30
58 lượt xem