1. Bê chao
Bê chao là một trong những đặc sản Mộc Châu mà được nhiều người yêu thích nhất. Nhâm nhi miếng thịt thơm ngọt, miếng rau chấm cùng nước tương bùi bùi, miếng da dai dai, nhấp thêm ngụm rượu táo mèo lại càng làm dậy lên cái vị đậm đà của đặc sản phố núi, khiến cho du khách đã thưởng thức một lần sẽ chẳng thể nào quên. Bạn có thể ăn ở một số quán ở tiểu khu Chiềng Đi, thị trấn Công Trường Mộc Châu, nằm ngay trên đường QL6 như quán: 64 Mộc Châu, Xuân Bắc 181, 70 Mộc Châu…
2. Cải mèo chấm trứng xì dầu
Cải mèo Mộc Châu ngoài ăn luộc còn có thể dùng ăn lẩu, xào với thịt hun khói, thịt gà… món nào cũng đặc sắc và có hương vị riêng. Nhưng ăn luộc chấm mắm dầm trứng vừa bình dị mà lại giữ được nhiều hương vị của cây cải mèo Mộc Châu nhất. Cái vị đăng đắng, ngăm ngăm vừa phải của rau quyện với vị ngọt, vị thơm, vị mặn của xì dầu, rồi là cái béo của lòng đỏ trứng gà... tất cả hòa thành một thứ hương vị rất mê hoặc. Ăn một miếng rồi lại muốn ăn thêm, ăn một lần rồi lại muốn ăn thêm lần nữa.
3. Gà đồi
Đến Mộc Châu, bạn cũng đừng bỏ qua cơ hội thưởng thức món gà đồi được người dân nuôi thả trên đồi nên khi ăn cảm nhận rõ được độ ngọt, chắc của thịt. Gà Mộc Châu thường chỉ khoảng trên dưới 1kg, chế biến được thành nhiều món, nhưng ngon nhất là luộc chấm với gia vị. Nếu thời gian không gấp gáp, bạn nên ăn thử món gà nướng được người Thái tẩm, ướp gia vị rất cầu kỳ ăn cùng xôi “tình yêu”, cơm lam thì không gì ngon bằng.
4. Thịt lợn bản nướng mắc khén
Mắc khén đứng đầu trong các loại gia vị của đồng bào dân tộc miền núi. Mắc khén, một thứ bột mùi thơm hăng hắc nhưng lại dịu như vị ô mai và phảng phất chất núi rừng, thơm cay nồng nàn như hương hồi, quế. Thịt lợnnướng mắc khénlà một sự mời gọi không thể chối từ. Lợn chỉ hơn chục cân, nuôi thả rong nên thịt săn chắc, không mỡ. Trong tiết trời lạnh, khách phương xa thích ngồi bên bếp than hồng nướng từng xiên thịt lợn, hay khoai, bắp... tỏa hương thơm lôi cuốn.
5. Cá suối Mộc Châu
Cá suối có nhiều loại: Cá trắng thân dẹt như cá mương, cá hoa, cá bống, lại có loài cá có màu đen lẫn với màu rêu đá. Cá suối Mộc Châu thường không lớn, chỉ bằng ngón tay, to lắm cũng chỉ như cán dao. Điều đặc biệt là cá suối không hề có vị tanh. Cá bắt được, nhóm lửa nướng sơ ngay bên bờ suối để có thể để dành ăn lâu dài hoặc đem lên bán cho các nhà hàng trên thị trấn. Cá suối Mộc Châu chiên vàng giòn tan, vị bùi béo.
6. Thịt trâu gác bếp
Thịt trâu gác bếp là món ăn đặc sản thường thấy trong bữa ăn của người Thái đen. Món thịt này thường được làm từ bắp của những chú trâu, bò nhà thả rông trên các vùng núi đồi Tây Bắc. Khi làm, người ta lóc các thớ thịt ra thành từng miếng kiểu con chì và thái dọc thớ, rồi hun bằng khói của than củi từ các núi đá. Với miếng thịt trâu thành phẩm, mùi khói gần như vẫn còn nguyên, song lại không gây khó chịu.
Ảnh: Khỏe&đẹp
Thịt gác bếp khô nhưng vẫn giữ nguyên mùi vị đặc trưng, nhất là độ ngọt của thớ thịt. Khi ăn người ta xé nhỏ dọc theo thớ, có thể ăn ngay hoặc được coi là món nhậu chính uống cùng rượu ngô. Món này được chế biến hoàn toàn tự nhiên, không có chất bảo quản nhưng vẫn để dự trữ được khoảng 1 tháng.
7. Xôi ngũ sắc
Xôi ngũ sắc là món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc ở nhiều tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Mộc Châu. Gọi là xôi ngũ sắc vì một đĩa xôi gồm rất nhiều màu, thông thường là năm: đỏ, xanh, vàng, nâu, trắng. Các màu xôi mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, năm màu xôi tượng trưng cho ngũ hành trong trời đất: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Không chỉ đẹp và mang ý nghĩa tâm linh, xôi ngũ sắc còn rất tốt cho sức khỏe người ăn khi trong mỗi loại lá cây, củ quả tạo nên màu sắc của đĩa xôi 5 màu đều là những loại cây dược liệu mang nhiều lợi ích đối với sức khỏe.
8. Dưa chuột mèo
Dưa mèo là loại dưa được trồng chủ yếu ở vùng Tây Bắc và Bắc Lào, trồng xen lẫn trong các nương lúa trên núi đá. Dưa mèo hoàn toàn sạch không một chút chất kích thích, bảo quản hay bất kể loại chất hóa học nào vì người Mông Mộc Châu trồng chủ yếu là để ăn chứ không trồng vì mục đích sản xuất kinh doanh.
Giống dưa này có vỏ trơn bóng, màu xanh sáng xen lẫn những sọc xanh mờ, dưới bàn tay khéo léo của người Mông, với địa thế trồng và chất đất, loại dưa này sinh trưởng rất tốt. Quả dài 25-30cm, đường kính quả to nhất đo được đến 8,5cm, ruột trắng, cùi dày, nhiều hạt. Dưa không ngọt, ăn nhạt, khi ăn có thể chấm với bột canh hay bất kể gia vị nào tùy khẩu vị của từng người.
Theo afamily.vn