Tháng giêng, những cây hoa mai anh đào trong khu vực quanh hồ Xuân Hương vẫn còn giơ những cành trụi lá. Trong khi giới đi săn ảnh cho biết những cây mai anh đào mọc dại rải dọc các cung đường đèo đã bắt đầu hé nở.
Mai anh đào (tên khoa học Prunus Cesacoides) là loại cây thân gỗ, cao 5 - 6m, tán lá rộng 2 - 3m. Hoa thường nở khi bắt đầu chuyển mùa (thường vào giữa tháng 1). Sau khi nở đồng loạt, 3 - 4 tuần sau hoa nhạt màu, tàn dần, cây cũng bắt đầu ra lá.
Những bông hoa thụ đủ phấn sẽ âm thầm kết trái để sang tháng 3 trên cành cây lại xuất hiện thêm những trái nhỏ, có lông mịn như trái đào, nhưng to lắm cũng như cái đốt tay người núp trong kẽ lá. Trái khi chín có màu tím, vị chua chua, hơi chát. Xa xưa, con nít Đà Lạt hay tìm bẻ trái chín để ăn chơi.
Mai anh đào, một loài hoa đặc trưng cho mùa xuân Đà Lạt, thường nở hoa vào cuối tháng 1, đầu tháng 2. Nhưng theo những người Đà Lạt, vài năm gần đây do thời tiết đảo lộn nên mai anh đào hay ra hoa thất thường. Như năm nay, cây ra hoa thưa và chậm có thể vì lạnh quá.
Trước Tết Nguyên đán, những cây mai anh đào trên cung đường dẫn ra hồ Tuyền Lâm đã chớm nở, nhưng có thể do mới trồng hoa không nở lâu, được chừng mười ngày cánh hoa đã phai nhạt và rụng dần.
Riêng với những người chuyên đi "săn hoa" Đà Lạt ai cũng biết vào tháng 10 hằng năm, khi Đà Lạt hết mưa, mai anh đào sẽ vàng lá và rụng dần, cây (nhất là những cây già) rơi vào tình trạng ngủ chờ xuân.
Khi gió xuân về (thường giữa tháng 1) mang theo hơi nước mát ẩm, cây sẽ tỉnh giấc đơm nụ, khoe chồi non, nở hoa đón xuân về.
Khi đó, các cây mai anh đào sẽ nở đồng loạt, rực rỡ chít hoa từ các tàn nhánh. Khu vực quanh hồ Xuân Hương, khu biệt thự cổ đường Trần Hưng Đạo, thiền viện Trúc Lâm, khu vực Suối Vàng… tất cả như được trải một tấm lụa hoa màu hồng đỏ hoặc phớt hồng tạo nên một sắc màu nhẹ nhàng đến kỳ lạ.
Với du khách, ấn tượng đến với xứ sở ngàn hoa vì thế thật khó quên.
Một điều đáng buồn là do các năm trước khi hoa đang nở rực rỡ, nhiều đoàn người kéo đến chụp ảnh rồi người bẻ hoa vặt cành, người leo lên cây, người kéo nhánh ghì hoa... khiến nhiều người Đà Lạt bất bình. Vì thế năm nay tại một số đường phố, các cây mai anh đào bị tỉa nhánh khá nhiều.
Lý do đưa ra là cần phải dọn đường, không để nhánh cây cản cảnh quan, một phần do ngại người đi chơi chụp ảnh, phá phách... nên đến giờ mai anh đào mới nở rải hoặc lác đác...
Nhưng dù sao một mùa mai anh đào nữa lại về...
Trước đây, mai anh đào chỉ có tại Đà Lạt, nhưng nay đã được trồng thêm nhiều nơi. Tên gọi có thể được hiểu theo cách "thấy mặt đặt tên": thân giống cây hoa đào, màu hoa phớt hồng giống đào, nhưng hoa có 5 cánh và nhụy nhìn giống hoa mai nên có tên là mai anh đào.
Cũng có người nói mai anh đào do người Pháp đưa giống sang Việt Nam, do thời cuộc nên bị lãng quên. Sau đó được người Việt lại phát hiện, nhân giống và trồng rộng rãi khắp Đà Lạt.
Còn theo nghiên cứu của ông Nguyễn Thái Hai, một Việt kiều người gốc ở Đà Lạt, cha của ông là ông Nguyễn Thái Hiến lúc sinh thời được chính quyền cũ giao việc chăm sóc cây cảnh ở các khuôn viên và các khu biệt thự.
Trong một lần đi thực địa, ông phát hiện ở ấp Tân Lạc có một loài hoa vừa giống đào vừa giống mai rất đẹp nên đã xin được trồng dọc các con phố ở khu trung tâm TP Đà Lạt bây giờ. Đó là cây hoa mai anh đào.
Cây mai anh đào sau này được ươm thành công bằng bằng hạt, được trồng tập trung trên nhiều tuyến đường. Đặc biệt, TP Đà Lạt còn có một con đường mang tên loài hoa mai anh đào.
Theo afamily.vn