Nguyên nhân chưa được tăng lương có thể nằm ngoài khả năng kiểm soát của bạn, chẳng hạn như việc công ty làm ăn không có lãi. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp lý do nằm ở chính bạn, ví dụ như than phiền quá nhiều, ít tham gia các hoạt động giao lưu hoặc thậm chí ít cạo râu. Sau đây là các nguyên nhân chính khiến lương của bạn giữ nguyên trong một thời gian dài:
Sếp không biết rằng bạn đang làm việc rất chăm chỉ, đó cũng có thể là lý do khiến bạn chưa được tăng lương. Ảnh: Thinkstock |
1. Bạn chưa yêu cầu tăng lương
Nếu bạn đang làm việc rất chăm chỉ và tỏ ra nghiêm túc trong công việc, thế nhưng vẫn chưa được tăng lương, thì khả năng nguyên nhân vì bạn chưa đòi hỏi. Khảo sát tại Mỹ cho thấy 84% các ông chủ hy vọng nhân viên của mình tự đề đạt việc tăng lương. Tuy nhiên, chỉ có 41% người Mỹ thực sự lên tiếng. Khi bạn chưa yêu cầu, các ông chủ sẽ nghĩ rằng bản thân bạn cũng không nghĩ rằng mình xứng đáng được lên lương.
Việc thẳng thắn đề nghị không đảm bảo rằng bạn sẽ thật sự đạt được mục đích, nhưng ít nhất cũng gia tăng cơ hội. Cơ hội sẽ càng nhiều nếu bạn hẹn sếp một buổi gặp, trong đó đưa ra bằng chứng cho thấy mình làm việc chăm chỉ. Tốt nhất bạn nên chọn lúc công ty đang làm ăn tốt. Kể cả khi sếp nói không, cuộc gặp này sẽ là cơ hội để bạn thẳng thắn hỏi sếp rằng mình cần phải làm gì để có thể được lên lương trong tương lai.
2. Công việc của bạn không nhất quán
Nếu bạn đang làm việc kém, bạn nên lo về khả năng bị thôi việc chứ chưa nói đến tăng lương. Còn nếu công việc không ổn định, bạn cũng khó chứng minh rằng mình xứng đáng. Nhiều người gặp sai lầm hỏi tăng lương trong những thời điểm không thích hợp, ví dụ có một người họ hàng bị ốm, bạn đời bị mất việc, hoặc bạn đang gặp khó khăn tài chính.
Có thể ông chủ tỏ ra thông cảm, nhưng khó khăn tài chính của bản thân không giúp gia tăng cơ hội lên lương. Thậm chí có một số ông chủ cho rằng chia sẻ thông tin về khó khăn tài chính cá nhân là không chuyên nghiệp. Thay vào đó, bạn cần làm việc chăm chỉ, chứng minh rằng mình đang giúp công ty sinh lãi.
3. Ông chủ không biết rằng bạn xứng đáng được tăng lương
Dù bạn có thể không muốn phô trương, nhưng cũng nên làm các sếp chú ý đến việc mình đang làm việc chăm chỉ. Đây là một kỹ năng đòi hỏi sự khéo léo. Bạn hoàn thành đầy đủ những công việc mà sếp giao là điều tốt nhưng chưa đủ. Bạn nên thường xuyên đề xuất nhận thêm việc nếu muốn được chú ý. Ví dụ, bạn xin tham gia những dự án quan trọng và cố gắng càng cao càng tốt trong việc để lại dấu ấn trong công việc của mình. Tất nhiên vẫn phải đảm bảo rằng điều này không làm người khác cảm thấy phiền toái.
Nếu không có cơ hội lên tiếng, bạn có thể ghi chép lại những công việc mình làm và chia sẻ nó với ông chủ trong báo cáo cá nhân cuối năm, hoặc trong một cuộc họp nào đó. Còn nếu bạn chỉ gánh việc của những đồng nghiệp khác giúp họ nhưng không có ai chú ý đến việc đó, bạn cũng sẽ không được tăng lương.
4. Bạn không nâng cấp kỹ năng
Dù bạn đang làm việc chăm chỉ và thường xuyên giúp đỡ đồng nghiệp, điều đó vẫn là chưa đủ nếu kỹ năng của bạn trở nên lỗi thời. Đây có thể thành một vấn đề nếu bạn đã làm ở công ty một thời gian dài. Có thể trước đây bạn ra trường là được tuyển vào công ty luôn và làm từ đó đến nay, nhưng bây giờ thời thế đã khác khi bạn phải cạnh tranh với lớp trẻ, những người có nhiều kỹ năng hơn, học hành cao hơn.
Để giải quyết vấn đề này, bạn nên theo học các lớp kỹ năng có cấp chứng chỉ. Khi tìm kiếm người cho một vị trí cao hơn, các công ty cũng có thể nhìn vào bằng cấp hoặc các kỹ năng mà một cá nhân có. Theo khảo sát của Bộ Lao động Mỹ, người có bằng đại học kiếm được nhiều hơn 77% so với người chỉ có bằng phổ thông.
5. Bạn có quá nhiều vấn đề
Nếu nhân viên thường xuyên lơ đễnh, ví dụ sếp yêu cầu một báo cáo dài 5 trang nhưng chỉ làm 3 trang, và một tháng lặp lại lỗi này 3 lần, thì các sếp sẽ lưu ý đến sự thiếu tập trung đó.
Nhiều nhân viên không bị phạt khi kém tập trung vào chi tiết, vì các ông chủ thường xem đó chỉ là thiếu sót cá nhân. Tuy nhiên những thiếu sót này chắc chắn sẽ được nghĩ đến khi ông chủ cân nhắc việc tăng hay không tăng lương. Cơ hội của bạn sẽ giảm đi nếu bạn có thái độ không tốt.
Ngoài ra, nếu bạn thường xuyên đến muộn hoặc nghỉ ốm quá nhiều cũng khó được tăng lương. Nhiều người cho rằng chỉ cần họ ở lại đến khi làm xong việc đã là xuất sắc. Nhưng thực tế, các ông chủ sẽ để ý hơn đến việc bạn bắt đầu ngày làm việc muộn, kể cả khi bạn thường xuyên ở lại làm việc muộn.
Theo vnexpress